với giá thấp được nhà nước bao cấp. Họ đã mở rộng các diện
phúc lợi để bảo đảm một “lưới an toàn” cho mọi gia đình kiếm
không đủ tiền cho các nhu cầu tối thiểu (những nhu cầu tối
thiểu này, với tôi, có vẻ quá sang trọng so với tình trạng của
chúng tôi ở Singapore ngay cả trước thời kỳ Nhật chiếm đóng).
Đó là một bài học đáng nhớ về việc tiến hành thực thi công bằng
xã hội.
Thế hệ các sinh viên Singapore và Malaya chúng tôi tại Anh
sau Thế chiến thứ 2 hoàn toàn say mê tính công bằng và hợp lý
trong chương trình của đảng Lao động. Chúng tôi thán phục chế
độ chính trị trưởng thành của Anh, trong đó truyền thống tôn
trọng hiến pháp và dung hòa đã cho phép những chuyển giao
căn bản về quyền lực và của cải được diễn ra một cách hòa bình.
Chúng tôi so sánh những gì thấy tại Anh với những gì ở
Singapore và Malaya, với phần lớn dân chúng thất học và báo
chí kém cỏi đã bỏ quên mọi vấn đề căn bản và chỉ biết đưa tin về
những chuyến đến hay đi của các nhân vật quan trọng mà phần
lớn là các ông chủ người da trắng và những người bản xứ theo
đuôi họ. Tình hình trông lạc hậu và không chút hứa hẹn.
Trong bối cảnh đó, tôi và Choo về nước trên Willem Ruys,
một chiếc tàu Hà Lan. Đó là chiếc tàu tốt nhất chạy tuyến
Southampton–Singapore – mới, có điều hòa không khí, món ăn
Indonesia và Hà Lan hảo hạng và phục vụ tuyệt vời với các hầu
bàn người Java mặc y phục cổ truyền. Chúng tôi đi hạng nhất
trong hai buồng sát nhau và hưởng một thời gian tuyệt vời,
ngoại trừ lúc tôi bị say sóng ở vịnh Biscay và biển Ả Rập, chỉ ăn
được thịt và bánh mì lát khô. Dù sao, đó vẫn là chuyến đi đáng
nhớ.
Lúc này, tôi đã quan tâm sâu sắc đến chính trị và chống chế
độ thuộc địa, nên đã bực bội trước sự hiện diện của một số hành