Ngay sau khi Luật chăm sóc y tế quốc gia được thông qua
năm 1948, tôi đi tới một bác sĩ nhãn khoa trên đường Regent,
Cambridge, để nhận đôi kính mắt. Tôi dự trù sẽ phải trả năm
hay sáu bảng gì đó. Tại quầy, ông bác sĩ hãnh diện nói với tôi
rằng tôi không phải trả tiền, mà chỉ cần ký vào một tờ hồ sơ. Tôi
hài lòng và nghĩ rằng một xã hội văn minh là phải như thế này.
Vài tháng sau, một chuyện tương tự lại xảy ra tại phòng nha sĩ.
Lần này tôi cũng chỉ phải ký vào một tờ mẫu đơn. Còn ông bác sĩ
ở đại học thậm chí chẳng yêu cầu tôi ký tên gì cả vì tôi đã được
ghi tên vào sổ bệnh nhân của ông ta. Một lần nữa tôi bị ấn tượng
sâu sắc với chế độ này. Nhưng báo chí tường thuật rằng nhiều
người Pháp và từ các nước châu Âu khác đã qua Anh để được
chữa răng miễn phí. Tôi nghĩ chuyện này đã đi quá xa, nhưng
hồi đó thì nước Pháp rất nghèo túng. Tôi rất thán phục người
Anh vì những biến đổi mà họ đã tạo được.
Điều khiến tôi tâm đắc nhất là sự công bằng của chế độ chính
trị này. Chính quyền đang xây dựng một xã hội có thể đưa mọi
người – giàu hay nghèo; thượng, trung hay hạ lưu – tới cùng một
mức sống chấp nhận được. Và họ đã đạt được điều này tuy rằng
nhiều món còn thiếu thốn. Việc phân phối các suất thực phẩm
và quần áo, có từ hồi chiến tranh, vẫn được tiếp tục cho đến khi
chính quyền Bảo thủ hủy bỏ chế độ đó vào giữa thập niên 1950.
Chế độ này vẫn còn được áp dụng cho những mặt hàng như trà,
đường, kẹo, sôcôla, bơ, thịt, thịt muối và trứng. Những y phục
đa dụng với giá phải chăng vẫn có bán nhưng cần phải có tem
phiếu.
Tôi còn quá trẻ, quá lý tưởng để nhận ra rằng chi phí chính
phủ phải chịu là rất lớn; tệ hơn nữa, dưới chế độ cào bằng này,
mỗi cá nhân sẽ quan tâm nhiều đến việc thu tóm được gì từ
công sản hơn là cố gắng cải thiện cuộc sống của chính mình, mà