dự nhiều bữa tiệc thường niên hay đại hội của họ. Tôi học được
cách hòa đồng với các bang người Hoa, những nhóm nói tiếng
Quảng Đông hay Quan thoại như Nghiệp đoàn công nhân
ngành in người Hoa, hay những nhóm chỉ nói một phương ngữ
như Hiệp hội người Hakka ở Singapore.
Điều đáng phiền là khả năng dùng tiếng Hoa của tôi không
tốt lắm. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì không có khả năng giao tiếp
với họ bằng thứ tiếng lẽ ra là tiếng mẹ đẻ của tôi. Một lần nữa tôi
lại cố gắng học tiếng Quan thoại. Tôi tìm một ông thầy và mua
một máy thu băng nhỏ. Tôi cùng Hon Sui Sen, bây giờ làm ủy
viên địa chính, học cùng ông thầy đó tại căn nhà trong cư xá
chính phủ của Hui trên đường Cantonment. Nhưng tôi tiến bộ
rất chậm vì có quá ít thời gian và tệ hơn, chẳng có mấy cơ hội để
thực tập.
Tuy nhiên, tôi chẳng cần đến tiếng Quan thoại trong lần
tham gia kế đó của tôi vào cuộc đấu tranh của công nhân. Tháng
12/1952, khoảng 10.000 công nhân, chủ yếu là người Ấn, thuộc
Nghiệp đoàn lao động khu căn cứ hải quân, đột nhiên ra thông
báo bãi công, và ngày 29/12, các công nhân trong căn cứ quân
sự ở Sembawang không làm việc nữa khiến cả các sỹ quan hải
quân chỉ huy ở đó cũng như chính phủ Singapore hết sức bối rối.
Các tàu chiến của Hải quân hoàng gia tham gia chiến tranh
Triều Tiên về đến Singapore – gồm một tàu ngầm, một hàng
không mẫu hạm và hai hộ tống hạm – bị neo lại không sửa chữa
được gì cả. Viên thống đốc đã can thiệp, nhưng sau hai lần gặp
gỡ không kết quả, đại diện của cả hai bên đồng ý đem vấn đề
tranh chấp này đến một trọng tài độc lập là John Cameron, Luật
sư hoàng gia thuộc Luật sư đoàn Scotland. Nghiệp đoàn đã yêu
cầu tôi đại diện cho họ.