Tôi bỏ ra một tuần nghiên cứu các bảng lương và so sánh
giữa mức lương do chính quyền Singapore và do Hải quân
hoàng gia trả cho những công việc tương tự nhau. Buổi tranh
luận đối tịch được tổ chức trong phòng riêng của chánh án tại
Tòa án tối cao và kéo dài cả tuần trong tháng 3/1953. Cameron,
một luật sư người Scotland dày dạn kinh nghiệm, vẫn giữ một
vẻ vô tư không thiên vị. Bên Hải quân có một viên chỉ huy kinh
nghiệm biết rất rành các bậc lương của mình. Khi Cameron đưa
ra phán quyết vào ngày 11/3, rõ ràng là ông ta đã biết giới hạn
ngân sách của Hải quân và không hề định phá vỡ mức giới hạn
đó. Tôi đã đòi hỏi nâng thang lương của Hải quân lên cho bằng
thang lương của chính phủ Singapore, nhưng Cameron từ chối.
Các cán bộ nghiệp đoàn không hài lòng, và ông chủ tịch
nghiệp đoàn bị áp lực là phải từ chối phán quyết của tòa. Tôi gặp
các cán bộ ấy và thuyết phục rằng thật bất lợi khi tiếp tục bãi
công sau khi đã chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua
trọng tài, rằng đây là nội dung chính của đấu tranh hợp pháp.
Quan điểm của tôi được chấp nhận và sự vụ không gây hại gì
cho tôi. Tuy rằng tôi cũng mất đi ít nhiều uy tín vì chỉ giành
được những nhượng bộ nho nhỏ. Tôi đã xác định được chỗ đứng
của mình như một cố vấn pháp lý biết đấu tranh đúng luật và
sẵn sàng thuyết phục khách hàng chấp nhận một phán quyết
bất lợi.
Những cuộc bãi công khác đang âm ỉ ở Singapore và Malaya.
Các viên chức của Nghiệp đoàn công nhân bưu chính viễn
thông Singapore đã ra thông báo rằng họ sẽ bãi công đòi tăng
lương vào ngày 23/3/1953. Đó sẽ là cuộc bãi công đầu tiên chưa
từng có của các viên chức chính phủ. Nghiệp đoàn đề nghị tôi
làm cố vấn pháp lý cho họ. Chính phủ đề nghị đưa ra trọng tài,
và sau khi bàn bạc với tôi, nghiệp đoàn đã đồng ý. Chính phủ