– Keng Swee, Chin Chye, Kenny, Raja và tôi – đều là những người
Anh học và là lãnh đạo của họ. Chúng tôi không muốn họ trở
thành một lớp người bị tuyệt chủng; chúng ta phải cùng nhau
cưu mang ít nhất một nửa số người nói tiếng Hoa đi theo với
mình nếu như họ chưa vứt bỏ chúng tôi. Nhưng những người
Anh học lại quá thờ ơ với chuyện chính trị đến độ họ chẳng hiểu
rằng họ đang gặp nguy hiểm. Mặc dù các cắt giảm đã được bãi
bỏ vào năm 1961, nhưng những công chức bị ảnh hưởng cũng
vẫn còn bất mãn trong cả một thời gian dài, và nếu như chẳng
có những biến động lớn sau đó ập lên đầu chúng tôi, có lẽ họ đã
bỏ phiếu nhất trí chống lại PAP trong kỳ tuyển cử năm 1963.
Phải nói rằng chính sự đe dọa của phái quá khích vào lúc đó quá
rõ rệt đến độ họ không thể làm gì khác ngoài việc ủng hộ chúng
tôi.
Vào cuối năm chúng tôi đã có thể cân đối được ngân sách, và
mức thu không còn bị giảm sút như Keng Swee đã lo sợ. Nếu
phải tuyên bố lại lần nữa, tôi cũng vẫn sẽ đồng ý với chuyện cắt
giảm, nhưng chỉ còn chừng một phần ba so với trước đây.
Chừng đó cũng đủ để thuyết phục khối người nói tiếng Hoa, và
mặc dù các công chức Anh học tất cũng sẽ còn bất mãn, nhưng
họ sẽ không còn bị sốc nữa. Tuy nhiên, giai đoạn này đã cho
thấy sự thiếu hiểu biết của họ về chính trị và nhu cầu phải định
hướng lại cho họ, làm cho họ ý thức hơn về những nguy hiểm và
nỗi khó khăn trước mắt. Điều đó xác nhận quyết định mà Keng
Swee, Kenny và tôi đã có trước khi cầm quyền, là phải lập một
trung tâm chính trị để dạy cho các công chức cao cấp về mối đe
dọa lật đổ cùng các vấn nạn về kinh tế và xã hội của xứ sở. Thế
nhưng, để thành công, chúng tôi phải chiếm được lòng tin của
họ và thuyết phục được họ rằng đây chẳng phải là chuyện tẩy
não.