Malaya. Nếu đã tìm hiểu đến nguồn cội của vấn đề giáo dục, có
lẽ tôi đã cảnh giác sớm trước những nhượng bộ lớn mà chúng
tôi sẽ phải thực hiện nếu như chúng tôi muốn cộng tác với các
nhà lãnh đạo Malay trong Liên bang.
Trong lúc nguy cơ cộng sản thâm nhập chính quyền và nền
hành chính trở thành thường trực, thì mối quan tâm chính của
chúng tôi trong thời kỳ này còn là chuyện những người bất cộng
tác – những người Hán học của Đại học Nanyang.
Trải qua nhiều năm, ý tưởng về một đại học tiếng Hoa đã là
một ấp ủ từ khi những thành quả của Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa làm dấy lên lần nữa lòng kiêu hãnh về ngôn ngữ và
văn hóa Trung Quốc. Giới trí thức, với sự hỗ trợ của báo chí
Trung Quốc, đã khuấy lên đòi hỏi phải có một đại học dạy bằng
tiếng Hoa. Trong thời kỳ thực dân, người Hoa khinh thị những
biên giới giả tạo mà các ông chủ da trắng đã dựng lên trên khắp
vùng Đông Nam Á, và đã gọi toàn vùng này là Nanyang, tức
Nam Dương (Biển Nam). Vì Singapore là nơi có người Hoa chiếm
đa số, nó trở thành trung tâm giáo dục của người Hoa. Nhưng
đến lúc ấy vẫn chưa có trường đại học tiếng Hoa nào.
Cuộc thịnh vượng bột phát của thị trường cao su trong thời
Chiến tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950 đã khiến cho các
thương nhân ở đây trở nên giàu có. Khi Tan Lark Sye, ông vua
cao su và là chủ tịch của Hokkien Huay Kuan ở Singapore, một
hiệp hội của bang hội người Hoa lớn nhất, vào tháng 1/1953 đề
nghị thành lập một trường đại học tiếng Hoa, lập tức có sự
hưởng ứng rộng rãi ngay. Vào tháng 5 năm đó, Công ty trách
nhiệm hữu hạn Nanyang được đăng ký theo Pháp lệnh Công ty.
Hội Hokkien Huay Kuan đã tặng 500 mẫu đất cao su bạc màu tại
Jurong ở phía Đông của đảo. Giới công nhân người Hoa, phu kéo