Sau 13 ngày thảo luận tẻ nhạt và lặp đi lặp lại, cuộc bỏ phiếu
vào ngày 6/12 là 33 thuận (bao gồm 2 UMNO, 3 SPA và 1 độc
lập), 18 vắng mặt, không có phiếu chống. Barisan chọn lựa việc
vắng mặt hơn là bỏ phiếu chống lại Hiệp định khung sau khi họ
đã cam kết ủng hộ hợp nhất. Ngày 24/1/1962, người ta thảo
luận kiến nghị thứ hai để ủng hộ trên nguyên tắc kế hoạch do
Tunku đề nghị thành lập Liên bang Malaysia gồm 11 bang của
Malaya, các bang Singapore và Brunei và các lãnh thổ Sarawak
và Bắc Borneo. Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 30/1 là 35 phiếu
thuận (PAP, UMNO, SPA), 13 chống (Barisan), 3 phiếu trắng và 3
vắng mặt. Ong Eng Guan và Marshall không còn là vấn đề đáng
quan tâm nữa. Họ muốn chống kiến nghị này nhưng sợ rằng họ
sẽ bị đối xử như những người cộng sản nếu Malaysia thành công
và Tunku nắm chính quyền. Vì thế họ chọn phiếu trắng hoặc
chọn vắng mặt để tránh xung đột với Tunku.
Cuộc thảo luận bị gián đoạn do các học sinh trung học người
Hoa tẩy chay kỳ thi. Ngày 29/11, Lee Khoon Choy, thư ký
thường vụ của Bộ Giáo dục và là ủy viên trật tự trong nghị viện
đụng đầu với một nhóm người ngăn không cho ông vào tham
dự cuộc họp của Hội đồng lập pháp. Raja lập tức đưa ra một kiến
nghị cho quốc hội để kêu gọi cảnh sát bảo đảm rằng những
người chịu trách nhiệm phải bị xử lý theo luật. Khi kiến nghị
được thông qua với tỷ lệ 43/3, Barisan cho giải tán những người
đang đứng ngăn chặn bên ngoài. Vấn đề thi cử đã là một vấn đề
nhức nhối từ tháng 6 khi Bộ trưởng Giáo dục đề nghị hệ thống
thi cử phải được thực hiện đồng bộ ở các trường dạy bằng tiếng
Anh, tiếng Hoa, tiếng Malay và Tamil. Điều đó có nghĩa là một
sự thay đổi cho học sinh người Hoa. Trước kia, họ có thể thi rớt
trong kỳ thi tiểu học nhưng vẫn tiếp tục học lên trung học, bây
giờ chúng tôi yêu cầu họ phải thi đậu bậc tiểu học trước khi học