Indonesia, nếu không những lãnh đạo của họ đã không tấn công
Limbang (một dải đất chia Brunei làm hai) vì nó là một phần
của Sarawak thuộc Anh và người Anh nhất định sẽ trả đũa. Ông
ta tin rằng Indonesia đã khuyến khích họ như một cách phá
hoại Malaysia, và trái với những bài báo mô tả cuộc nổi loạn như
một hành động khôi hài, tài tử, ông ta chỉ ra rằng nó đã thành
công trong giai đoạn đầu dù rằng nó thiếu chuẩn bị. Những kẻ
nổi loạn đã chiếm giữ một số đồn cảnh sát và cướp được nhiều
vũ khí, họ chiếm nhà máy điện và cúp điện, họ cầm tù được thư
ký của Cao ủy Anh, và ở Limbang, bỏ tù viên trú sứ Anh, vợ ông
ta và những người Âu khác. Chỉ nhờ lính Gurkha và Anh đến
nhanh chóng mới cứu vãn được tình hình.
Vài ngày sau khi Tunku nói lên những nghi ngờ của ông ta,
Sukarno đã thừa nhận những nghi ngờ đó khi nói rằng: “Những
gì đang xảy ra ở đó (Brunei) không thể tách rời khỏi cuộc đấu
tranh của các lực lượng mới đang nổi dậy. Chúng tôi đứng về
phía những người đang đấu tranh,” và trong một buổi phát
thanh trực tiếp từ Jakarta sau đó vài ngày, ông ta đã kêu gọi dân
Indonesia ủng hộ cuộc nổi loạn. Ông ta nói những ai không ủng
hộ được coi như phản bội lương tâm mình. Dân tộc Indonesia
sinh ra trong khói lửa và đã chịu bao đau khổ vì nền độc lập của
họ. Họ có lý khi đồng tình với những người đấu tranh cho tự do.
Họ không giống các dân tộc khác (ý nói Malaya) giành được độc
lập như một thứ quà tặng của thực dân. Tunku trả lời bằng cách
nêu ra rằng chính phủ Indonesia và các lãnh tụ chính trị của nó
đang làm những bài diễn văn hung hăng dù cuộc nổi loạn ở
Brunei đã kết liễu; mục đích của họ rõ ràng là xúi giục dân
chúng ba vùng lãnh thổ Borneo (thuộc Anh) chống đối chính
phủ của họ, và điều này sẽ dẫn đến một tai họa.