Cánh cửa sắt - như họ tưởng ban nãy khi nhìn từ bên trong - hóa ra chỉ là
phần nhỏ ở cuối một tấm kim loại vươn cao chót vót. Đầu kia của tấm kim
loại chìm trong màn trời xa xôi tăm tối, hệt như xuyên tới tận cao xanh.
Cửa ngả xuống, tách khỏi tường tạo ra một khoảng hở, bắt đầu nghe được
tiếng gió đêm rít khe khẽ, những vạt tuyết tới tấp bay vào.
Tiếng ròng rọc chói tai của xích sắt vẫn chưa ngưng. Đến khi cánh cửa sắt
ngả rộng hơn, cuối cùng mọi người mới hiểu vì sao xích sắt phải dài như
vậy.
Bởi vì đó là một cây ‘cầu’ dẫn thông lên tháp. Các gờ lồi khía lõm trên
mặt cầu cũng không phải là điêu khắc kiểu avant-garde, mà mang một ý
nghĩa thực tế hơn, là ‘bậc thang’. Từ nhà chính đến đây, mọi người đã trèo
khá nhiều cầu thang, vậy mà đỉnh tháp vẫn còn ở trên cao nữa.
‘Cầu’ đã gần như nằm thành phương ngang, không gian mù mịt tuyết bay
xuất hiện qua khung cửa trống hình thang mà ban nãy còn bị bịt kín. Ở phía
đối diện chính là phần đỉnh tháp lừng lững, gợi cảm giác trang nghiêm như
đang ngắm một bức tranh thờ, hoặc đang nghe một bản nhạc nghi lễ.
Bề ngoài của đỉnh tháp hơi giống tháp Pisa, ở giữa là một phòng hình
tròn, bao quanh là hành lang hình vành khuyên. Lờ mờ trông thấy tay vịn và
vài cây cột tròn. Từ rìa mái của phòng tròn rủ xuống mấy nhũ băng
tướng, trông như những chiếc răng nanh của mùa đông hung bạo nơi cực
Bắc này.
Cảnh tượng khiến người ta liên tưởng đến một vở nhạc kịch sắp mở màn
của Richard Wagner. Sân khấu nguy nga hoành tráng làm khán giả choáng
váng. Phông nền của tháp nghiêng giống một tấm màn tối thẫm, nhưng ở
đằng sau tấm màn ấy có lẽ là biển Okhotsk lổn nhổn băng trôi. Mọi người
đều có cảm giác thời gian chảy ngược, lại còn bị đưa đến một vùng đất lạ
lẫm cách xa Nhật Bản. Qua khung cửa hở hình thang, họ nín thở ngắm
những biểu hiện như địa ngục của mùa đông.
Cuối cùng, như con thuyền cập bến, cầu cũng chạm tháp cùng một tiếng
‘két’ rợn người.
“Được, bắc cầu xong rồi. Hơi nghiêng, mọi người đi cẩn thận.”