Lan lại cười:
- Ông vẽ sao được tiếng chuông?
- Vẽ được. Nghĩa là vẽ công chúa, con mắt lờ đờ ngước nhìn trời như
đương nghe chuông chùa mà cầu khấn đức Thích già Mâu ni, xin ngài cứu
vớt cho thoát được chốn trầm luân.
- Nếu ông vẽ được thế thì khéo lắm. Còn vẽ công chúa mặc áo tứ thân thì
chắc ông theo sự tích Phật và Phật tổ khi đã rời bỏ cung điện, liền cởi bộ
gấm đổi lấy áo cà sa của một vị hòa thượng...
Ngọc tuy không hiểu sự tích Phật cũng trả lời liều:
- Ấy chính thế.
Một lúc lâu, hai người ngồi im lặng trên thềm hiên chùa, mỗi người như
đương theo đuổi một ý tượng riêng.
Về phía đông nam mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà nhuộm một sắc da
cam. Nền trời xanh nhạt, lơ thơ mấy áng mây hồng. In trên cánh đồng lúa
chín, màu vàng thẫm, con cò trắng thong thả bay về phía tây, đôi cánh lờ đờ
cất lên đập xuống loang loáng ánh mặt trời. Bên cái quán gạch cũ, ẩn núp
dưới đám mây đen, trên con đường hẻm, và ba đứa mục đồng cưỡi trâu hát
ngêu ngao trở về trong xóm.
Ngọc cất tiếng hỏi Lan:
- Trong cảnh này tôi tưởng tượng như còn thiếu một thứ gì.
- Ấy là ông tưởng tượng đó thôi.
- Phải. Cái cảnh đẹp thế kia, êm đềm thế kia, dịu dàng thế kia, tôi coi vẫn
như không có linh hồn. Cũng như lúc nãy chú bình phẩm bức tranh của tôi,
chê rằng thiếu vẻ hoạt động vì không có vẽ người...
Lan cười hỏi:
- Vậy thiếu cái gì?
- Thiếu ái tình... vì cảnh yên lặng, diễm lệ này. Tạo hóa chỉ để riêng cho
những người biết yêu thưởng thức.
Lãnh đạm Lan trả lời:
- Không phải. Thiếu tiếng chuông, vì đến giờ thỉnh chuông rồi mà tí nữa tôi
quên baÜng.
Dứt lời Lan vội vàng cắm đầu chạy. Ngọc gọi: Đợi tôi với!