Vả lại, Mai cũng không hề ngờ rằng, không từng hy vọng rằng đối với
mình, một người trong hàng quý phái lại ngỏ lời xin lấy làm vợ như thế.
Giá người ấy không phải là Lộc thì Mai cho ngay là anh chàng tán tỉnh để
được hưởng chút đặc quyền trong giây lát. Nhưng người ấy là Lộc mà Mai
kính yêu, thì dẫu có xin nàng hết cả những đặc quyền, những đặc ân nàng
cũng chẳng từ chối.
Ý tưởng ngộ nghĩnh ấy - ta cho là ngộ nghĩnh chỉ là kết quả một nền
giáo dục quá theo nhân đạo, quá theo lý tưởng của cụ tú Lãm, một nền giáo
dục có thể gọi là lãng mạn. Bàn về cái hay, cái dở của nền giáo dục ấy là
công việc của các nhà xã hội học, luân lý học. Tác giả chỉ là một nhà soạn
tiểu thuyết nghĩa là chỉ biết tả ra những cảnh ngộ, những hình trạng, những
tính tình của một xã hội, của một thời đại mà thôi.
Ba ngày sau hôm trần tình của hai người, Lộc đưa tới nhà Mai một bà
cụ mà chàng nhận là mẹ. Bà cụ xem ra bằng lòng Mai lắm, khiến Mai sung
sướng quá, nhan sắc tăng thêm bội phần. Còn Huy thấy chị sung sướng thì
cảm động chảy nước mắt.
Bà cụ nói đáng lẽ về tận làng Ninh Bắc để thưa chuyện với ông chú,
bà bác bên nhà Mai. Nhưng chắc Mai sợ bên ông hàn Thanh thù hằn thì
cũng chẳng dám về. Mai đứng hầu chuyện, e lệ cúi đầu. Nàng nghĩ tới họ
hàng mà chán ngán. Vì thế, tuy ở Hà Nội nàng có một người bác làm thông
phán mà nàng cũng giấu, không hề nói cho bà cụ biết. Nàng trả lời vắn tắt:
- Bẩm cụ, cụ không hề nghĩ tới nhà con nghèo khó mà thương tới
con... - Mai nói được có thế.
Qua một tuần lễ. Ngày nào cũng vậy, Mai chẳng làm gì hết, chỉ ngồi
nghĩ vơ nghĩ vẩn, nhìn vơ nhìn vẩn, chờ Lộc tới để bàn về việc cưới.
Mai lấy cớ rằng chưa hết trở nên cũng không bày vẽ ra sắm sửa nhiều
thứ, nói chỉ nên dùng cái lễ nghi bắt buộc phải có để thành vợ, thành chồng