Rồi họa sĩ nói lảng sang chuyện khác ngay, phàn nàn người Việt Nam
không biết chuộng mỹ thuật, không có con mắt mỹ thuật. Bỏ hàng trăm ra
mua bộ phòng khách lố lăng hay cái thống, cái bát cổ đời Khang Hy Thành
Thái thì không tiếc, chứ giá có đứng trước một bức danh họa của chàng, và
trông thấy cái phiếu mã giá trăm rưởi, hai trăm đã kêu la rằng đắt.
Chàng nói:
- Bao giờ cho người mình dám trả một bức tranh tới hàng vạn bạc như
người Âu, Mỹ?
Lộc ngồi tiếp chuyện đưa đà để chờ dịp gợi nói đến Mai. Nhưng nào
họa sĩ có để cho chàng kịp hỏi. Hết phàn nàn, họa sĩ lại bình phẩm tranh,
bình phẩm người, nào người Âu, người Nhật, người Tàu, người Việt Nam,
người đời xưa, người đời nay. Lộc sốt ruột, đưa mắt nhìn đồng hồ. Kim đã
chỉ gần sáu giờ. Chàng đứng dậy cáo biệt. Họa sĩ vội mời:
- Ấy! Ta còn lên gác xem phòng hội họa chứ, đấy mới có nhiều tranh
đẹp... Và tôi còn kể chuyện cô Mai cho ông nghe kia mà!
Lộc thở mạnh, khoan khoái, mỉm cười. Chàng đến chơi chỉ cốt có một
việc: nghe chuyện Mai.
Chủ đưa khách lên gác tới phòng hội họa. Nói phòng chứa tranh thì
đúng, vì ở đấy để ngổn ngang, treo la liệt không biết bao nhiêu là tranh nữa:
bức dựng ở tường, bức đặt trên giá, bức không khung, bốn cái đinh đóng sơ
sài vào tường kẻ hoa màu xanh nhạt.
Họa sĩ trỏ một cái ghế thấp, mời khách ngồi và nói:
- Đó, ông coi, một cô Mai đã làm kiểu vẽ cho biết bao bức tranh của
tôi.
Chàng thở dài nói tiếp: