không còn. Ông ra đảo, rồi tình nguyện ở lại đảo, nơi con trai ông đã hi
sinh. Rồi ông Nhụ cũng ra đảo ở với con, với cháu. Ông đem theo cả cỗ hậu
sự. Chi tiết này thật đắt. Cũng vẫn con người ấy, sự việc ấy, song tác giả
hướng cái nhìn vào một quan niệm mới.
Cuối cùng là ông Trương Sần cũng ra đảo, sống vui cùng mấy bạn già.
Cảm giác như cứ trang viết nào trong cuốn sách, có ông Trương Sần, là
trang ấy sinh động hẳn lên. Bởi nhân vật này quy tụ được bọn trẻ. Ông
Trương Sần hấp dẫn tụi trẻ ở nhiều lẽ. Câu chuyện bố con ông Trương Sần,
vật lộn với con rắn hổ mang to đại, thì cả khu Giếng Rừng, người lớn, trẻ
con, đều biết. Từ trong lòng, bọn trẻ rất cảm phục. Bằng những kinh
nghiệm sống khổ đau, mất mát, cùng chút niềm vui hiếm hoi, ông truyền
dạy cho lũ trẻ cái nhân ái của con người. Ở đây, bất chợt ta gặp một Trần
Nhuận Minh – nhà thơ, tác giả tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ, nâng hình tượng
Nhân nghĩa và Tự do, lên thành chủ thể của tác phẩm.
Trong tập sách này, Trần Nhuận Minh có những trang viết hay và cảm
động, về nhiều mặt của cuộc sống, như: gà đẻ trứng, ông lão chèo đò chống
đỡ với con rắn hổ mang..., các trang viết về những câu hò sông nước, về
phong tục tập quán, kinh nghiệm người đi biển, về nghề biển v.v... cả những
câu thơ, câu hò trong tập sách, người viết dụng công đưa vào, dù rằng, đó
là câu hò dân gian hay thơ của Trần Nhuận Minh, cũng đều đáng khích lệ,
bởi lời hay, hợp với khung cảnh. Song, về phần thơ, bạn đọc muốn tác giả
cân nhắc thêm. Dùng thơ để thể hiện cao trào của tiểu thuyết, xưa nay chưa
có ai làm, mà phải bạo tay và vững nghề mới dám làm. Bài thơ đứng một
mình Chương kết không đánh số là bài khá, khiến các bạn nhỏ tuổi phải suy
nghĩ nhiều, cũng chấp nhận được. Sách có nhiều chương viết sinh động,
chứng tỏ tác giả có vốn sống phong phú về nghề biển và người dân chài.
Tạo dựng đời sống hiện thực trong một tác phẩm văn chương về một
làng đảo, đâu có dễ. Đây là một thành công trong truyện viết cho thiếu nhi.
(Bài đăng báo VĂN NGHỆ. Số 22 ngày 2/6/2001)