Người đó chính là Quản Lợi Minh, bố của Quản Đồng, bần nông
chính gốc.
Đó là một trận phong ba trong cả huyện thành nhỏ bé. Nhưng dù
bão tố có dữ dội đến đâu, Quản Lợi Minh vẫn để ngoài tai mọi lời dị
nghị để làm đám cưới với Tạ Gia Dung. Kể từ đó, Quản Lợi Minh
bắt đầu “cùng hưởng” những nỗi thống khổ và khó khăn của Tạ Gia
Dung, thậm chí vì thế mà mất đi cơ hội được tuyển đi làm công
nhân, cả đời chỉ có thể làm nông dân mà thôi.
Vậy là, một năm sau đám cưới, Quản Đồng ra đời, hai năm sau là
Quản Hoa. Tuy rồi Quản Hoa mất sớm khi mới lên 5, nhưng dù gì,
cuộc sống của Quản Lợi Minh và Tạ Gia Dung cũng dần bình ổn. Lại
hai năm nữa trôi qua, khi tiếng kèn cải cách mở cửa càng ngày càng
vang dội, xương cốt của Tạ Minh Giám được mang về quê hương.
Chính là Quản Lợi Minh đã an táng hài cốt của Tạ Minh Giám và Tạ
phu nhân đã qua đời trước đó ở cùng một nơi, mà trong suốt quá
trình an táng đó, Tạ Gia Dung không rơi một giọt lệ.
Năm đó Quản Đồng 10 tuổi. Dường như cậu không thể nào
quên, vào ngày chôn cất, mẹ mình đứng bên mộ, đờ đẫn, không nói
một lời nào.