Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, Cố Tiểu Ảnh nằm trên giường,
nhìn lên trần nhà tối om, nghĩ: trước đây, cô vốn không biết rằng,
gọi bố mẹ người khác là “bố mẹ”, quả là một việc không hề dễ.
Trong 26 năm của cuộc đời cô, cách xưng hô này đại diện cho sự
gắn bó máu thịt, là một sự tín nhiệm bẩm sinh, cũng là một sự
nương tựa bản năng. Thế mà, kèm theo cuộc hôn nhân này, ngoài
một người chồng, còn có thêm hai “bố mẹ” không cùng huyết thống,
mà thậm chí ngôn ngữ còn bất đồng nữa.
Họ cũng là những người thân nhất của anh, thậm chí là những
người mà anh thương yêu nhất. Cô hiểu rất rõ nếu không có sự
chăm sóc nuôi dạy của họ, cũng sẽ không có Quản Đồng ngày hôm
nay.
Nhưng, muốn bước qua cái hố sâu ngăn cách về tình cảm đó,
cũng rất khó. Có lẽ chỉ sau khi kết hôn mới biết, chuyện tự nhiên
thoải mái gọi bố mẹ người khác như bố mẹ mình, thực ra không
phải là không được, nhưng cần có thời gian.
Ít nhất hiện tại, trong năm đầu của cuộc hôn nhân, cô vẫn chưa
làm nổi.
Ví dụ như, khi gọi điện thoại cho bố mẹ đẻ, cô thích được gọi Cố
Thiệu Tuyền là “chủ nhiệm Cố”, “đồng chí Cố”, “daddy”, gọi La
Tâm Bình là “bà La”, “Hoa hậu”, “mami”. Cái cách gọi vui ngất trời