cùng phong phú. Cố Tiểu Ảnh mải ăn quên cả nói chuyện, có lẽ
cũng rất ít khi cô lại “kiệm lời” như thế, nên cuối cùng đến ông Cố
cũng thấy bữa cơm này lặng lẽ quá, đành cố gắng gợi chuyện cho
bữa ăn sôi nổi.
Vì ông Cố luôn quý Quản Đồng, Quản Đồng cũng khâm phục tài
viết lách của ông Cố, nên hai người nói chuyện lúc nào cũng rất vui
vẻ. Lại thêm bà Cố vừa tham gia một hội nghị của tỉnh, nên mấy
người bắt đầu chuyện trò từ tình hình đại cục của tỉnh này, rồi dần
chuyển sang tình hình kinh tế chính trị, thể thao văn hóa, càng nói
càng hứng khởi.
Cố Tiểu Ảnh vừa nghe họ nói chuyện vừa cảm khái nhớ lại ba
năm trước, lần đầu tiên cô đưa Trần Diệp về nhà gặp bố mẹ. Vì cô
thích, nên ông Cố bà Cố không có bất cứ ý kiến gì về Trần Diệp. Họ
tiếp đãi anh rất nhiệt tình, ông Cố còn ngày nào cũng xuống bếp tự
làm món tủ, nhưng cuộc nói chuyện giữa họ thì luôn giữ kẽ, người
hỏi người đáp, lịch sự nhưng không nhiệt tình.
Cho đến lúc gặp Quản Đồng, khi đưa anh về nhà, Cố Tiểu Ảnh
mới biết, thực ra không phải bố mẹ không thích Trần Diệp, mà là vì
có khoảng cách rất lớn: họ không biết ai là Mendelssohn, ai là
Brahms, cũng không biết thế nào là quãng, là nhịp; đến khi gặp
Quản Đồng, cô mới nhìn thấy sự tán thưởng của bố mẹ đối với con
rể là do họ hiểu biết lẫn nhau.
Trong cơn gió đầu thu vẫn còn mang chút nóng nực, Cố Tiểu
Ảnh vừa ăn cá vừa quay đầu nhìn Quản Đồng, ánh mắt lấp lánh ấm
áp mà chính cô không hề hay biết.