Mãi đến nửa tháng sau, khi Tiểu Ảnh làm phóng viên báo trường
và được phái đi đưa tin ở buổi biểu diễn đêm tụ hội của các sinh
viên ưu tú, cô chẳng thể tin vào mắt mình nữa: chàng trai hào hoa
đang kéo violon trên sân khấu kia, chẳng nhẽ lại là gã khờ mấy hôm
trước?
Tiểu Ảnh còn nhớ như in hôm đó anh ta tấu khúc: “Bốn mùa” –
tác phẩm tiêu biểu nhất của Vivaldi. Cô trân trân đứng nhìn chàng
trai trên sân khấu, chiêm ngưỡng đôi mắt khép hờ trong khi tay
đang nhẹ nhàng kéo violin. Toàn bộ con người chàng trai như chìm
vào âm nhạc, lôi cuốn thính giả đắm mình vào nghệ thuật khi anh ta
chiếm lĩnh sân khấu.
Đó phải chăng là sức quyến rũ của âm nhạc, hay là sức quyến rũ
của Trần Diệp?
Buổi diễn kết thúc, khán giả bao người chạy lên tặng hoa, chụp
ảnh. Tiểu Ảnh đứng ngay giữa khán đài, hai tay đút gọn vào túi áo
khoác, đôi mắt cứ nhìn mãi chàng trai trong bộ đồ diễn màu đen trên
sân khấu. Cổ áo bằng lụa óng ánh dưới ánh đèn làm cô chú ý, và
dáng vẻ nhã nhặn mỉm cười cảm ơn mấy cô bé lớp dưới lên tặng hoa
cũng khiến cô không thể rời mắt.
Tiếng sét ái tình – đúng rồi, chính là cụm từ này đây. Từ đấy trở
đi Tiểu Ảnh khắc khoải khôn nguôi. Cô thừa nhận mình là kẻ cọc đi
tìm trâu, đã thế thì phải thể hiện sự thông minh, khôn khéo của
mình để khiến: “trâu đi tìm lại cọc” vậy!