Warren vẫn sống trên nước Mỹ của Eisenhower. Ông không bao giờ bị
cuốn vào cơn cuồng si ban nhạc The Beatles. Ông không ký tên vào
“Kumbaya”
hay giương khẩu hiệu nói rằng chiến tranh là không lành
mạnh đối với trẻ em và mọi sinh vật sống khác. Nhận thức của ông vẫn
không hề thay đổi. Tâm trí ông vẫn chìm sâu trong việc đi tìm câu trả lời
mang đậm tính triết học, và bị giằng xé giữa triết lý về mẩu xì-gà của
Ben Graham với triết lý “kinh doanh lớn” của Phil Fisher và Charlie
Munger.
“Tôi đang trong giai đoạn chuyển tiếp và chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng
của Charlie Munger - cứ dao dộng qua lại nhưng một người đang trong
thời kỳ Tin lành Tân giáo vậy. Tôi nghe Martin Luther ngày hôm trước,
nhưng hôm sau tôi lại thấy Giáo hoàng La Mã có lý hơn. Tất nhiên Ben
Graham mới là “Giáo hoàng” của tôi.”
Trong khi Munger đang đóng đinh những luận điểm của mình vào cánh
cửa Nhà thờ Thiên Chúa giáo “Mẩu Xì-gà”, thị trường đã từ bỏ mọi
quyền lực của nó trong quá khứ và hiện tại. Trong thập niên 1960, những
kẻ tán gẫu với nhau về cổ phiếu làm các buổi tiệc cocktail trở nên rôm rả
hơn, còn các bà nội trợ thì thường gọi cho các nhà môi giới chứng khoán
từ các thẩm mỹ viện. Các vụ mua bán cổ phiếu với số lượng lớn chiếm
1/3 tổng số cổ phiếu giao dịch trên thị trường.
Ở tuổi 36, Buffett cảm
thấy mình như một ông già cổ lỗ sĩ giữa một thế giới đầy những
Transitron, Polaroid, Xerox và Electronic Data Systems - những công ty
có những công nghệ mới mà ông chẳng hiểu gì cả. Ông nói với các đối
tác của mình rằng ông đang bị tụt hậu. “Đơn giản là chúng tôi không có
những ý tưởng tốt như thế,” ông viết.
Tuy nhiên ông không nới lỏng các qui tắc của mình để tìm ra những
phương cách khác nhằm bắt đồng tiền làm việc. Cùng lúc, ông đặt thêm
hai qui tắc mới thậm chí làm ông gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt
động đầu tư. Những sự áp đặt mang tính cá nhân này giờ đây trở thành
một phần của bộ qui tắc chính thức mà ông áp dụng trong việc điều hành
công ty.