Cách thức Buffett nhìn nhận việc này là: Coca-Cola không phải là
một mẩu xì-gà thơm ngon, nhưng nó đang tuôn chảy tràn trề một
dòng thác tiền mặt trong khi chỉ cần bỏ ra một phần rất nhỏ
trong số đó để vận hành nó. Lượng lưu chuyển tiền tệ của nó mỗi
năm mỗi tăng lên; đó là con số mà ông có thể định lượng ngay trong
đầu. Vì ông đã nghiên cứu công ty trong nhiều năm nên ông biết
rõ nó đã từng rót ra bao nhiêu tiền trong quá khứ và ông có thể đưa
ra một phán đoán khá chính xác rằng các hoạt động kinh doanh của
Coca-Cola sẽ tăng trưởng đến mức nào trong nhiều năm sắp tới.
Cộng những con số đó vào lượng lưu chuyển tiền tệ của Coke
sau từng năm sẽ mang lại cho ông một giá trị tối thượng.
Tuy nhiên, tiên đoán viễn cảnh tươi sáng của một công ty cho
nhiều năm sau vào lúc này không phải là một môn khoa học chính
xác. Buffett áp dụng một biên an toàn vào các tính toán của ông. Đơn
giản là ông làm việc thẳng trên các con số chứ không sử dụng các
công thức tính toán hay những mô hình phân tích phức tạp. Ông
không hề sử dụng một chiếc máy vi tính hay bảng tính excel nào để
thực hiện các phép tính của ông. Nếu kết quả tính toán không va
vào đầu làm ông nổ đom đóm thì, theo quan niệm của ông, cuộc
đầu tư đó không đáng thực hiện.
Sau các ước tính là bước ra quyết định. Ông sẽ so sánh giá trị tối
hậu của Coca-Cola như một doanh nghiệp – con chim trong bụi rậm
– với lượng tiền mặt mà Berkshire sẽ bỏ ra để mua cổ phiếu của nó
– con chim trong tay. Chỉ cần đầu tư vào trái phiếu chính phủ là
ông sẽ không phải chịu rủi ro hay không bị mất tiền và Berkshire
có thể kiếm được số lợi nhuận tương đương trong khoảng thời gian
đó. Rồi ông so sánh hai bên. Bằng thước đo đó, Coca-Cola tỏ ra có
sức hấp dẫn mạnh hơn, và trên thực tế, không có một cổ phiếu
nào ông biết ở thời điểm đó có thể sánh được với Coca-Cola. Và thế
là Buffett bắt đầu tung tiền ra để mua vào.