Buffett vốn bị thu hút bởi Gutfreund, một con người sâu sắc,
kín đáo và có tình yêu lớn đối với công việc của mình, người tới văn
phòng mỗi ngày đều đặn vào đúng 7:00 giờ sáng, đốt điếu xì-gà
Jamaica hiệu Temple Hall đầu tiên trong ngày và dạo quanh các
nhân viên giao dịch ăn mặc áo sơ-mi giản dị của mình mà bảo họ
rằng: “Các anh phải luôn trong tư thế sẵn sàng táp vào mông một
con gấu vào mỗi buổi sáng.”
Thực ra, đối với những nhân viên
có nhiệm vụ thuyết trình trước các cuộc họp hội đồng quản trị,
Buffett là một thành viên khá thụ động.
Dường như ông chỉ hiểu
chút ít về sự vận hành của ngành này. Việc phải tự điều chỉnh mình
trước một hoạt động không đơn giản như gạch-và-vữa ráp lại thành
tường, hay được điều hành như một dây chuyền sản xuất, rõ ràng
không dễ dàng đối với ông.
Vì ông đầu tư vào Salomon đơn
thuần vì thích Gutfreund và hiện tại ông không thích cách thức làm
việc của ban quản trị, ông luôn có một lựa chọn khác cho mình, nên
ông quyết định rút ra khỏi hội đồng quản trị và bán cổ phần của
mình.
Wall Street sôi sục với tin đồn rằng Buffett và
Gutfreund đã bất hòa với nhau; rằng hoặc Buffett bán cổ phần của
mình, hoặc sa thải Gutfreund và đem vào một người khác để điều
hành công ty.
Nhưng mọi việc không diễn ra như thế. Một con
người nổi bật với cương vị của một cổ đông lớn như Buffett mà lại bán
cổ phần và rút lui khỏi ban quản trị quả là một cử chỉ gây chấn
động chỉ có thể làm sụt giá cổ phiếu của Salomon và buộc các cổ
đông của công ty phải chịu tổn thất, cũng như biến ông thành một
kẻ thất thường, hoặc có đầu óc thù hằn, hoặc không đáng tin cậy.
Vào lúc này đây, uy tín của ông đã là một phần trong giá trị tài sản
của Berkshire. Hơn thế nữa, ông đã chịu thua Gutfreund. Toàn bộ lý
do thúc đẩy ông đầu tư vào đây là Gutfreund, và một khi Buffett đã
choàng tay ôm người nào thì chỉ có lấy rìu mà tách họ ra. Vì thế,
gần tới kỳ nghỉ, ông và Gutfreund chật vật làm việc với nhau để làm
rõ các quan điểm khác biệt giữa họ.