Phải một lúc lâu sau đó Buffett mới có thể thể hiện phép màu vẫn
còn hiệu nghiệm của ông về ký ức bồn tắm và lấy lại bình tĩnh.
Ban quản trị của Coca-Cola đã ra quyết định ngay trong cuộc họp và
ra một thông cáo báo chí nói rằng họ sẽ bắt đầu hạch toán quyền
chọn mua cổ phiếu của nhân viên của mình là một khoản chi phí, dù
hiện tại đó chỉ là một qui định mang tính hướng dẫn, không bắt
buộc. Không một công ty nào làm điều này. Họ đưa ra một lý lẽ như
một đứa trẻ nói với cha mẹ nó rằng: Chuyện đó không xảy ra đâu,
nhưng nếu nó xảy ra thì con cũng không có ở đó; và nếu con có ở
đó đi nữa thì con cũng không làm điều đó; và dẫu con có làm điều
đó thì đó là do bạn bè con… xúi giục chứ không phải tại con. Các công
ty khác cho rằng quyền chọn mua cổ phiếu không phải là chi phí;
nhưng nếu đó là chi phí thì cũng không ai biết phải tính toán nó
như thế nào. Mà nếu họ có thể tính ra được con số thì chi phí đó
cũng không được quyết toán khi xác định thu nhập chịu thuế. Nó
chỉ có thể được ghi chú ngoài bảng cân đối kế toán. Bởi vì, nó sẽ
làm các nhà đầu tư bối rối khi muốn biết quyền chọn mua cổ
phiếu của các nhà lãnh đạo công ty đáng giá bao nhiêu. Thế nên
tuyên bố của Coca-Cola đã đụng đến các công ty Mỹ như một quả
bom chùm, sức công phá của nó càng được nhân lên khi chính sách
mới này của Coca-Cola được công bố trong hội nghị chính của Sun
Valley, nơi giới báo chí luôn rình rập bên ngoài sau những chậu hoa,
bờ giậu xung quanh hội nghị. Cánh tay nổi rõ các mạch máu nhỏ của
Buffett có thể được nhìn thấy rõ sau tuyên bố này. Ngay sau Sun
Valley, Washington Post cũng đua theo Coca-Cola và công bố áp
dụng qui tắc đó: Họ sẽ hạch toán quyền chọn mua chứng khoán của
nhân viên như một khoản chi phí.
Buffett tiếp tục thắng lợi
này bằng một loạt đạn khác qua một bài xã luận nữa, lần này trên
tờ New York Times, với tựa đề: “Ai mới là kẻ xào nấu số liệu kế
toán?”