Vào ngày 26 tháng 6 năm 2006, Buffett thông báo rằng ông sẽ
cho đi 85% số cổ phiếu của mình tại Berkshire Hathaway – trị giá
37 tỉ đô la vào thời điểm đó – cho một nhóm các quỹ từ thiện, được
tiến hành trong một vài năm. Chưa có một món quà nào lớn đến
mức này từng được cho đi trong lịch sử hoạt động từ thiện. Cứ sáu cổ
phiếu thì có năm cổ phiếu được chuyển vào Quỹ Bill & Melinda
Gates, vốn đang là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới lúc này, qua một
cuộc hôn nhân lịch sử giữa hai gia tài lớn nhất thế giới với tôn chỉ
vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Ông chỉ đề nghị rằng số tiền
đó phải được sử dụng ngay khi nó được ông cho đi, để các quỹ có thể
tự duy trì hoạt động của họ. Để làm nhẹ đi cú sốc vì bị mất tiền,
mà nếu không cho đi, một ngày nào đó nó sẽ làm cho quỹ từ thiện
của gia đình ông trở nên lớn nhất thế giới, Buffett đã chia nhỏ các
cổ phiếu còn lại, trị giá vào khoảng 6 tỉ đô la, cho các quỹ của từng
người trong các con ông, mỗi quỹ nhận khoảng một tỉ đô la, riêng
Quỹ Susan Thompson Buffett nhận 3 tỉ đô la. Không ai trong số các
con ông nghĩ rằng một ngày nào đó quỹ riêng của họ đạt đến qui
mô lớn như thế, đặc biệt là khi ông còn sống. Vào ngày ông tặng
món quà này, các cổ phiếu được trao vào Quỹ Gates trong năm đầu
tiên trị giá 1,5 tỉ đô la, ba quỹ của các con ông là 50 triệu đô la mỗi
quỹ, và 150 triệu đô la cho Quỹ Susan Thompson Buffett. Tùy thuộc
vào thị giá cổ phiếu của Berkshire tại từng thời điểm, các giá trị này
có thể lên xuống khác nhau. Trên thực tế thì chúng chỉ tăng lên
chứ không giảm xuống, và tăng rất nhiều.
Con người giàu thứ hai trên thế giới lúc này đang cho đi tài sản
của mình mà không để lại phía sau một dấu ấn cá nhân nào. Ông
đã dành cả cuộc đời mình lăn hòn bi tuyết như thể nó là một bản sao
mở rộng của chính con người ông. Nhưng ông không lập một Quỹ
Warren Buffett nào, cũng không có một bệnh viện, trường đại học
hay tòa nhà nào mang tên Buffett. Việc cho đi tất cả mà không yêu
cầu vinh danh tên mình, cũng không can thiệp hay kiểm soát về