giúp lão được?
Chàng nghĩ không ra được cách giải quyết, liền từ từ đứng dậy, khoét
một cái lỗ bên đường rất sâu để chôn thi thể Mã Lực Văn. Chàng cảm thấy
trong lòng trầm trọng. Giữa Mã Lực Văn và chàng vốn không quen biết mà
lão lại là kẻ thù của sư môn. Chàng ngó lại nấm đất vàng khè, trong lòng
cảm khái muôn vàn. Chàng đứng lẳng lặng hồi lâu, rồi uể oải cất bước dời
khỏi khu núi non trùng điệp.
Dọc đường tâm tình chàng có lúc sáng suốt, có lúc u mê. Ra khỏi khu
vực núi non lên đường quan đạo, người đi lại như mắc cửi khiến chàng cảm
thấy bớt cô đơn. Chàng đi đường không có việc gì, miệng không ngớt lẩm
bẩm tám chữ "Nguyệt chiếu bạch dương, ánh lạc nam phương".
Sau nhiều lần ngẫm nghĩ chàng cho hai chữ bạch dương là địa danh, nếu
là cây bạch dương thì ở đâu cũng có, phạm vi rộng lớn qua. Còn bốn chữ
ánh lạc nam phương thì chàng cảm thấy khó đoán quá.
Ngày tháng thoi đưa. Thấm thoát đã hơn một tháng. Du Hữu Lượng một
hôm đi tới giải đất Tây Thục. Chàng thấy nhân dân vùng này áo quần rách
rưới, người nào cũng có vẻ đói khát thì trong lòng rất lấy làm kỳ. Nguyên
đất Tây Thục là nước Thiên Phù, trước nay nhân dân trù phú mà bây giờ
coi như họ bị một trận thiên tai. Du Hữu Lượng trong lòng ngờ vực, chàng
quyết định nghỉ lại nơi đây mấy bữa đẻ quan sát kỹ càng.
Chàng tìm vào một nhà khách sạn nghỉ chân, để tâm nghe ngóng mà
không được tin tức gì. Lạ ở chỗ những người nào nghe hỏi tới vấn đề này
đều lộ vẻ sợ hãi, không chịu nói ra.
Du Hữu Lượng tự hỏi:
- Chẳng lẽ trong vụ này có điều chi bí ẩn?
Chàng ở lại một ngày nữa, đột nhiên phát giác ra trên một đường phố rất
nhiều nhân vật ăn mặc theo kiểu võ lâm. Suốt ngày tiếng vó ngựa dồn dập
không ngớt, liên tiếp hết toán này đến toán khác.
Du Hữu Lượng nghĩ thầm trong bụng:
- Tây Thục vốn là nơi đông dân cư mà rất ít nhân vật võ lâm, thỉnh
thoảng chỉ có người qua đường mà thôi. Những người này tựa hồ ở đâu đến
đây tụ tập, chẳng hiểu vì mục đích gì?