chờ chết thôi. Hiện hắn nắm được cái lý ấy, dù có chết cũng còn hơn là chịu chết đói, chết
rét. Như thế trách sao được hắn chẳng đi kiện? Việc này do cậu nhà vội vàng quá; một tội
là còn tang nước; hai tội là tang nhà; ba tội là giấu cha mẹ đi lấy vợ; bốn tội là có vợ lại đi
lấy vợ nữa. Tục ngữ nói: “Quân liều lôi vua xuống ngựa”. Nó là hạng cùng cực điên rồ,
việc gì chẳng bạo gan làm? Vả lại nó đã nắm phần chắc, không đi kiện lại đợi người ta
đến mời hay sao?” Chị thử xem, dù tôi có là Hàn Tín, Trương Lương, khi nghe thấy
chuyện này cũng sợ hết hồn vía, không còn nghĩ ra mưu kế gì nữa. Em chị lại đi vắng,
không có người để bàn bạc, tôi đành phải lấy tiền ra đắp điếm. Ngờ đâu càng dùng tiền
lại càng làm cho người ta nắm được đằng chuôi, càng bới thêm nhiều chuyện. Tôi khác
nào chuồn chuồn mỏng cánh, được bao hơi sức, vì vậy vừa hoảng, vừa giận, tôi đành phải
sang nói với chị.
Vưu thị và Giả Dung không chờ Phượng Thư nói hết, ngắt lời:
Thím cứ yên tâm, tất nhiên tôi phải thu xếp cho xong. Giả Dung lại nói:
Trương Hoa chẳng qua chỉ vì nghèo kiết mới liều mạng đi kiện. Nay cháu nghĩ một cách,
cho nó ít tiền, bắt nó nhận lấy cái tội kiện gian, rồi chúng ta đến cửa quan lo lót cho xong;
mặt khác nó được tha về, ta sẽ cho ít tiền là yên chuyện.
Phượng Thư bĩu môi cười nói:
Cháu nghĩ giỏi đấy! Chẳng trách được, cháu chỉ biết một mà không biết hai, nên mới gây
ra cơ sự này. Té ra cháu thật là mê muội. Cứ như lời cháu nói, thì lúc này nó tạm bằng
lòng đấy. Kể ra nó đi kiện vớ được món tiền, tất nhiên nó sẽ yên đi. Nhưng hạng vô lại ấy
được tiền đến tay, ít lâu tiêu hết, nó lại tìm cách bới ra. Nó có giở mặt chúng ta cũng
chẳng sợ, nhưng vẫn phải bận lòng, tránh sao khỏi nó không rêu rao “Không có tội cớ chi
phải đưa tiền cho nó”. Rút cục vẫn không ổn.
Giả Dung là người tinh ý, thấy vậy cười nói:
Cháu có ý định “Người đã gây chuyện tất phải dẹp chuyện”. Việc này phải tự cháu đi thu
xếp mới được. Bây giờ cháu sẽ đến hỏi Trương Hoa, hoặc là nó đòi lại người; hoặc là nó
muốn xong việc được món tiền đi lấy vợ khác. Nếu nó nhất định đòi người, thì đành phải
khuyên dì Hai trở về với nó, nếu nó đòi tiền ta sẽ cho nó một món.
Phượng Thư nói:
Cháu nói vậy nhưng ta không nỡ và cũng không chịu để dì Hai đi. Để dì ấy đi thì thể diện
nhà ta còn ra làm sao? Cứ ý ta, thà cho nó thêm tiền là hơn.
Giả Dung biết rõ Phượng Thư ngoài miệng nói thế, nhưng trong bụng thì chỉ muốn tống
dì Hai đi, mà mình vẫn được tiếng là người tử tế. Bây giờ Phượng Thư nói sao, Giả Dung
đành phải nghe vậy.
Phượng Thư tươi hẳn lên, lại nói:
Việc bên ngoài thu xếp xong xuôi, còn việc trong nhà thì làm thế nào? Chị nên cùng đi
với em sang trình cụ và bà Hai mới phải.
Vưu thị lại cuống lên, níu lấy Phượng Thư và hỏi nên nói dối thế nào cho phải. Phượng
Thư cười nhạt:
Đã không có gan thì ai bảo chị gây ra việc này? Nhìn vẻ mặt, lại đáng thương. Tôi định
không nói, nhưng mình là người hiền lành cả nể, dù ai lừa dối tôi vẫn giữ tấm lòng chân
thực, thôi thì việc này để tôi nhận hết. Mẹ con chị đừng ra mặt vội, cứ để tôi đưa dì nó
vào gặp cụ và bà Hai. Tôi chỉ nói dì ấy là em gái chị, trông cũng khá, vì tôi hiếm hoi, vẫn