đón cô ta về; Tiết Bảo Cầm thì theo chị là Bảo Thoa về ở bên nhà; bọn chị em họ Lý vì
thấy trong vườn dạo này xảy ra nhiều việc, nên thím Lý đem ra ngoài ở. Vì thế, hôm nay
Đại Ngọc chỉ thấy có mấy người.
Mọi người nói cười một lúc, bàn tán câu chuyện hoa nở kỳ quặc. Giả mẫu nói:
Hoa này đáng lẽ nở vào vòng tháng ba. Bây giờ tuy vào tháng mười một, nhưng vì tiết
trời chậm, cũng còn như là tháng mười, chính tiết tiểu dương xuân còn ấm áp, cho nên
hoa nở cũng phải.
Vương phu nhân nói:
Bà từng trải nhiều, nói rất đúng. Việc này cũng chẳng lấy gì làm lạ.
Hình phu nhân nói: Tôi nghe nói cây này đã chết khô một năm nay, tại sao lại nở ra hoa
trái mùa? Thế nào cũng có duyên cớ gì đây.
Lý Hoàn cười nói:
Bà và mẹ nói đều đúng cả. Cứ ý nghĩ dại dột của con thì chắc là chú Bảo sắp có việc
mừng, cho nên hoa đến báo tin trước.
Thám Xuân tuy không nói, nhưng trong bụng nghĩ thầm: “chắc là không phải điềm tốt.
Vật gì cũng thế, thuận thì tốt, nghịch thì xấu. Cỏ cây biết vận trời, nẩy nở không đúng
thời, chắc là yêu quái gì đây”. Nhưng cô ta không nói ra.
Riêng có Đại Ngọc trong lòng xúc động, liền cao hứng nói:
Ngày xưa nhà họ Điền có cây Kinh. Khi ba anh em ra ở riêng cây ấy chết khô; sau đó,
anh em họ cảm động lại ở chung với nhau như trước, thì cây Kinh sống lại. Đủ biết cây
cối cũng gắn bó với người. Nay anh Hai chăm chỉ học hành, cậu mợ vui mừng, cho nên
cây này cũng sống lại và nở hoa.
Giả mẫu và Vương phu nhân nghe vậy vui mừng liền nói:
Cháu Lâm so sánh có lý lắm.
Đang nói thì bọn Giả Xá, Giả Chính, Giả Hoàn và Giả Lan đều đến xem hoa. Giả Xá nói:
Chắc là hoa báo điềm xấu, theo ý tôi thì nên chặt đi.
Giả Chính nói: Người ta hay nói “thấy vật quái không lấy làm quái thì vật quái ấy cũng
mất”. Cần gì phải chặt. Cứ mặc nó thôi.
Giả mẫu nghe thế liền nói:
Người nào nói nhảm đấy. Người ta có việc tốt đẹp, quái với quỷ gì. Việc tốt thì các người
đều hưởng. Việc không tốt thì một mình ta chịu cho, không được nói bậy.
Giả Chính nghe thế, không dám nói gì, liền cùng Giả Xá đi ra.
Giả mẫu cao hứng liền gọi bọn nhà bếp mau sắm sửa tiệc rượu để cùng thưởng hoa. Lại
bảo:
Bảo Ngọc, cháu Hoàn, chắt Lan, mỗi đứa làm một bài thơ mừng. Cháu Lâm vừa ốm dậy
không bắt lo lắng suy nghĩ, có cao hứng thì sửa chữa thơ cho họ.
Giả mẫu lại nói với bọn Lý Hoàn:
Các cháu đều cùng uống rượu với ta.
Lý Hoàn vâng dạ rồi ngoảnh lại cười bảo Thám Xuân:
Tại cô sinh chuyện ra cả.
Đã không bảo chúng tôi làm thơ, sao lại bảo chúng tôi sinh chuyện?
Thi xã hải đường chẳng phải do cô lập ra à? Nay cây hải đường này cũng định vào thi xã
đấy.