Chân Bảo Ngọc thường ngày cũng đã biết Giả Bảo Ngọc là người như thế nào. Hôm nay
gặp mặt, quả là không sai, nghĩ bụng: “Anh này chỉ có thể cùng chung học, chứ không
thể cùng đi một đạo với mình. Anh ta không những trùng tên mà diện mạo lại như nhau.
Âu cũng là linh hồn cũ trên hòn đá “tam sinh” đây mà. Nay ta có hiểu biết ít nhiều lý lẽ,
sao không đưa ra giảng giải cho anh ấy nghe. Nhưng vì mới gặp lần đầu, chưa biết anh ấy
có suy nghĩ như mình hay không, nên phải để thư thả đã”.
Chân Bảo Ngọc nói:
Tài danh của anh, em đã biết từ lâu. Anh thực là học thanh nhã, mười người mới có một.
Còn em đây chỉ là hạng ngu dại, tầm thường, thế mà lại được trùng tên với anh, em cảm
thấy đã làm nhơ bẩn đến cái tên Bảo Ngọc ấy.
Giả Bảo Ngọc nghe xong, nghĩ bụng: “Anh này quả cùng một ý nghĩ với mình. Nhưng
anh ta với mình đều là con trai, có đâu được trong sạch như đám con gái. Vì sao anh ta lại
xem mình như con gái?” Nghĩ vậy, rồi đáp:
Anh quá lời khen. Tôi đâu dám nhận. Tôi là hạng rất ngu, rất bẩn, chẳng qua chỉ là một
hòn đá thô kệch đó thôi. Tôi dám đâu sánh với anh có đủ phẩm cách thanh cao, thực là
người xứng đáng với hai chữ ấy.
Chân Bảo Ngọc nói:
Hồi còn bé, em chưa biết cân nhắc, cứ cho mình có thể mài dũa được. Không ngờ vận
nhà gặp cơn sa sút, nên vài năm nay em lại càng kém xa ngói gạch. Tuy em không dám
khoe đã từng trải hết mùi cam khổ. Nhưng về nhân tình thế thái thì em cũng đã hiểu được
ít nhiều. Anh là con nhà phú quý, mặc đẹp ăn sang. Việc gì cũng được vừa lòng, chắc
rằng áng văn chương cũng như tài kinh bang tế thế của anh phải hơn hẳn mọi người. Vì
vậy bác mới thương yêu, coi như hòn ngọc quý. Cho nên vừa rồi em bảo anh thật xứng
đáng với cái tên Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc lắng nghe, thấy trong lời lẽ chẳng khác gì khuôn sáo của bọn “mọt ăn lộc
nước”, nên đương nghĩ cách trả đũa.
Giả Hoàn chưa được nói chuyện với Chân Bảo Ngọc, trong bụng thấy ấm ức. Trái lại,
Giả Lan nghe vậy, thấy rất hợp ý mình, liền đỡ lời:
Anh khiêm tốn quá đấy thôi. Văn chương cũng như tài kinh bang tế thế tất phải do rèn
luyện mà ra mới là thực học. Cháu còn nhỏ tuổi, chưa hiểu rõ văn chương là gì. Nhưng
cứ nghiền ngẫm thì thấy thú vị lắm. Cho hay danh tiếng còn quý gấp trăm lần cái trò ăn
ngon mặc đẹp.
Giả Bảo Ngọc nghe vậy càng không thích, nghĩ rằng: “không biết thằng bé này học cái
lối gàn dở ấy từ bao giờ?” Và nói:
Tôi nghe anh nói ghét bọn tục, chắc trong lòng anh thế nào cũng có những ý nghĩ khác
người. Hôm nay may mắn được tiếp mong anh dạy bảo cho những điều “siêu phàm nhập
thánh”, để từ nay tôi rửa sạch được lòng trần, mở rộng được tầm con mắt. Không ngại
anh lại cho tôi là một phường ngu xuẩn, nên đã đem cái chuyện của bọn tục khách ra nói
với tôi.
Chân Bảo Ngọc nghe vậy, trong bụng hiểu rằng: “anh ta biết rõ tính tình của mình lúc còn
nhỏ nên mới ngờ mình giả dối. Thôi mình cứ nói thẳng, may ra anh ta sẽ là bạn tri âm của
mình thì hay lắm”. Nghĩ rồi nói:
Anh nói thật là sâu sắc. Từ bé em đã ghét cay ghét độc những câu khuôn sáo cũ rích ấy.