Bà Lưu vào chào bọn Vương phu nhân, liền nói những chuyện sau này nào là được thăng
quan, nào là nhà thịnh vượng, con cháu đông đúc…
Đang nói chuyện thì a hoàn vào trình:
Vợ anh Hoa Tự Phương vào hầu.
Vương phu nhân hỏi mấy câu. Vợ Hoa Tự Phương liền kể lại việc người bà con làm mối
Tập Nhân cho nhà họ Tưởng ở phía Nam ngoài thành. Anh ta có nhà, có đất, lại có cả cửa
hiệu nữa. Người chồng có lớn hơn vài tuổi, nhưng chưa hề lấy vợ. Vả lại vẻ đẹp của anh
ta thì thực trăm người khó lòng được một.
Vương phu nhân nghe cũng bằng lòng, bảo:
Cháu cứ về nhận lời đi, vài ngày nữa sẽ đến đây đón cô em cháu về. Vương phu nhân lại
sai người đi dò hỏi, họ đều nói thế.
Bà ta liền nói với Bảo Thoa, rồi lại nhờ Tiết phu nhân bảo riêng với Tập Nhân.
Tập Nhân khóc thương mãi, nhưng không dám trái lời, trong bụng nhớ lại năm nọ, sau
khi Bảo Ngọc ra chơi nhà mình, chính mình đã nói dầu chết cũng không trở về nhà nữa,
nay bà lớn đứng làm chủ, nếu mình ở vậy, thì sợ người ta bảo là không biết xấu hổ; nếu
bỏ ra về thì thực không đành lòng? Rồi cô ta nghẹn ngào khóc, không nói ra lời. Tiết phu
nhân và Bảo Thoa lại cố khuyên giải, cô ta mới nghĩ lại: “nếu mình mà chết ở đây, lại làm
uổng mất lòng tốt của bà lớn, mình phải về chết ở nhà mới được”. Tập Nhân bèn nuốt tủi
vái chào mọi người. Khi các chị em chia tay, tất nhiên càng đau xót. Tập Nhân lên xe với
tấm lòng quyết chết. Đến khi về chào anh chị, cũng cứ khóc lóc, không nói nên lời. Hoa
Tự Phương liền đem những lễ cưới của nhà họ Tưởng và những món tư trang mới mua
sắm cho cô ta xem, rồi bảo:
Vật này là bà lớn thưởng cho, vật này là ở nhà sắm lấy.
Tập Nhân càng khó nói. Ở nhà hai ngày, suy nghĩ lại, “anh mình xử sự cũng đúng, nếu
mà chết ở trong nhà anh, không phải là mình làm hại anh sao?” Tính trước nghĩ sau, đằng
nào cũng khó. Thực là ruột rối như tơ vò, hầu như đứt đoạn, đành phải nín nhịn chịu vậy.
Đến ngày rước dâu, Tập Nhân vốn không phải là tay gan dạ, nên cứ lủi thủi lên kiệu ra đi,
trong bụng nghĩ, hãy sang bên kia rồi sẽ liệu. Không ngờ về đến nhà chồng, thấy họ
Tưởng sắp đặt rất là chu đáo, việc gì cũng theo lề lối cưới vợ chính. Vừa mới vào nhà, thì
đàn bà con gái hầu hạ đều gọi là “mợ”. Tập Nhân khi ấy muốn chết ở đó, nhưng lại sợ
làm hại người ta, uổng mất tấm lòng họ đối xử tử tế với mình. Đêm ấy cũng vẫn cứ khóc,
không chịu thuận theo. Người chồng lại tỏ ra dịu dàng, chiều theo ý chị ta.
Đến ngày thứ hai, Tập Nhân mở rương ra, người chồng trông thấy cái thắt lưng màu đỏ,
mới biết chị ta là a hoàn của Bảo Ngọc
. Nguyên trước đây người chồng chỉ nghe nói cô
dâu là người hầu của Giả mẫu, cũng không ngờ người ấy là Tập Nhân. Khi đó Tưởng
Ngọc Hàm nhớ đến mối ơn của Bảo Ngọc đối với mình. Cảm thấy rất là hổ thẹn, nên
càng âu yếm; rồi cả ý đưa ra cái thắt lưng màu xanh hoa thông mà Bảo Ngọc đã đổi cho
mình. Tập Nhân nhìn thấy, biết anh chàng họ Tưởng này chính là Tưởng Ngọc Hàm, mới
tin rằng nhân duyên của mình đã định từ trước. Chị ta mới bày tỏ hết tâm sự của mình.
Tưởng Ngọc Hàm cũng than thở kính phục, không dám cưỡng ép, lại càng tỏ ra dịu dàng
thể tất, làm cho Tập Nhân muốn chết cũng không chết được nữa.
Bạn đọc, việc đời tuy có tiền định, không biết làm thế nào; nhưng những kẻ con hiếu, tôi
trung, chồng nghĩa, vợ tiết, không phải ai cũng đổ vì ba chữ “bất đắc dĩ” được cả. Vì vậy