không cần phải lo nghĩ.
Vương phu nhân nghe Tiết phu nhân bàn giải một hồi, rất có lý, nghĩ bụng, “Bảo Thoa từ
nhỏ đã có tính trầm tĩnh, ít hay ham muốn, rất thích giản dị mộc mạc, nên mới có việc
như thế. Nghĩ lại người ta ở đời, đều do số mệnh định trước! Ta xem Bảo Thoa dù khóc
lóc, cũng vẫn giữ nguyên được vẻ đoan trang, lại còn trở lại khuyên ngăn ta nữa. Điều đó
thực là hiếm có! Không ngờ thằng Bảo Ngọc là người như thế, mà lại không được hưởng
một chút phúc nào ở cõi trần”. Nghĩ một lúc, bà ta cũng thấy an tâm, rồi lại nghĩ đến phận
Tập Nhân. “Nếu các a hoàn khác thì không có gì khó xử. Đứa lớn cho ra lấy chồng, đứa
nhỏ cho ở lại hầu mợ Hai là được. Chỉ có Tập Nhân thì nên đối xử như thế nào đây?” Bấy
giờ đông người bà ta chưa tiện nói, đành đợi đến tối bàn với Tiết phu nhân.
Hôm đó Tiết phu nhân cũng chưa về nhà, sợ Bảo Thoa khóc lóc nên ở lại trong nhà chị ta
để khuyên giải. Bảo Thoa là người rất hiểu lẽ, biết suy trước nghĩ sau, “Bảo Ngọc là hạng
người kỳ dị. Kiếp trước duyên xưa, đã sẵn như thế. Không thể oán trách ai được”. Bảo
Thoa lại đem việc đạo lý ra nói một lượt. Mọi người đều yên lòng. Chị ta lại còn đem
những câu đạo lý thưa lại với mẹ. Tiết phu nhân cũng được yên tâm, liền đến phòng
Vương phu nhân, thuật lại những câu nói của Bảo Thoa. Vương phu nhân gật đầu than:
Nếu bảo là tôi không có đức, thì không đáng được người con dâu đứng đắn như thế. Nói
xong bà ta lại thấy đau lòng. Tiết phu nhân lại khuyên giải một lúc, rồi nhắc đến Tập
Nhân, và nói:
Tôi thấy Tập Nhân gần đây gầy quá, vì nó một lòng tưởng nhớ cháu Bảo. Nếu là vợ
chính, thì theo lẽ phải thủ tiết, vợ lẽ xin thủ tiết cũng có. Tập Nhân tuy được xem như
một người vợ lẽ, nhưng đối với cháu Bảo, danh phận chưa có gì rõ ràng cả.
Vương phu nhân nói:
Tôi vừa nghĩ đến, đang muốn chờ dì để bàn định. Nếu cho về, sợ nó không thuận, lại đòi
chết đòi sống; muốn để nó ở lại cũng được, nhưng sợ ông lớn không nghe, cho nên việc
này khó xử.
Tôi xem chừng ông nhà cũng không muốn cho chị ta thủ tiết đâu. Vả chăng bác cũng
chưa biết rõ việc Tập Nhân, cho rằng chẳng qua là một a hoàn, lẽ nào lại ở lại? Chỉ cần
chị gọi người nhà nó đến, dặn dò kỹ lưỡng, bảo tìm cho nó một nơi tử tế, lại cho nó khá
nhiều lễ vật hồi môn. Con bé ấy cũng khá, lại còn trẻ. Thế cũng khỏi uổng công nó theo
hầu chị bấy lâu, và như thế là chị đối đãi tử tế với nó rồi. Còn về phần Tập Nhân, tôi sẽ
khuyên bảo nó cặn kẽ. Dù khi người nhà đến, cũng chưa cần cho nó biết trước. Đợi lúc
người nhà nó đã bàn định xong nơi tử tế, chúng ta cũng còn phải dò la xem, nếu quả là
một nhà đủ ăn đủ mặc, thằng chồng lại ra dáng người, thì sẽ cho nó về.
Vương phu nhân nghe vậy nói:
Dì nghĩ thế rất phải, nếu không thì ông lớn nhà tôi sẽ xử trí nông nỗi, thế chẳng phải là tôi
lại làm hại một người nữa hay sao.
Tiết phu nhân nghe xong, gật đầu nói:
Thực đúng như vậy.
Lại nói chuyện vài câu rồi từ biệt Vương phu nhân trở về phòng Bảo Thoa.
Tiết phu nhân thấy Tập Nhân khóc sướt mướt, liền khuyên giải một hồi. Tập Nhân xưa
nay vốn thực thà, đâu phải là người lanh mồm lém mép, nghe Tiết phu nhân nói một tiếng
thì cô ta dạ một tiếng, rồi thưa: