với viên đá. Đạo nhân tìm mãi đến trong gian lều cỏ ở cửa sông Giác Mê nơi bến Cấp
Lưu, thấy một người nằm ngủ. Chắc hắn ta là người rảnh rỗi, đạo nhân định đem chuyện
Thạch Đầu ký đã sao chép được cho hắn xem. Nào ngờ gọi mãi người ấy không tỉnh. Đạo
nhân cố sức kéo. Hắn mới từ từ mở mắt ngồi dậy, rồi cầm lấy truyện ấy xem qua, lại đặt
xuống nói: “Việc này tôi đã trông thấy và đã biết hết, bản sao chép của đạo nhân cũng
không sai. Tôi xin chỉ cho đạo nhân một người, rồi nhờ người ấy truyền ra, thì có thể kết
thúc được cái án mới mẻ này”.
Không Không đạo nhân vội hỏi là người nào. Người ấy nói:
Đạo nhân phải đợi cho đến năm nọ, tháng nọ, ngày nọ, đi đến một chỗ gọi là hiên Điệu
Hồng, sẽ thấy ở đó có ông Tào Tuyết Cần, và bảo rằng: “Giả Vũ Thôn nói nhờ ông ta như
thế như thế”.
Người trong lều nói xong, lại nằm xuống ngủ.
Không Không đạo nhân ghi nhớ kỹ những lời nói ấy. Sau đó không biết trải qua mấy đời
mấy kiếp, quả thấy có hiên Điệu Hồng, và Tào Tuyết Cần đang ở đấy giở xem những
sách cổ sử xưa nay. Không Không đạo nhân liền thuật lại câu nói của Giả Vũ Thôn rồi
đem truyện Thạch Đầu ký ra. Tào Tuyết Cần cười bảo:
Quả thực là Giả Vũ Thôn nói rồi!
Không Không đạo nhân liền hỏi:
Tiên sinh vì sao biết được người ấy, mà chịu truyền thuật truyện này thay cho ông ta?
Tào Tuyết Cần cười nói:
Người ta gọi ngài là Không Không, quả nhiên trong bụng không có gì cả! Truyện này
toàn là câu chuyện thêu dệt, thì cất sao khỏi những chỗ sai lầm, mâu thuẫn, chỉ để khi
cơm no rượu say, đêm mưa đèn sáng, sẽ cùng mấy người chung chí hướng đọc với nhau,
làm tiêu tan những nỗi hiu quạnh là được. Chứ cần gì phải có những bậc đại nhân bình
phẩm và truyền khắp trên đời. Còn như ngài muốn dò xét từ ngành ngọn thì thật hết sức
câu nệ. Chẳng khác “vạch vào thuyền để tìm gươm, gắn phím để gảy đàn vậy”.
Không Không đạo nhân nghe xong, ngửa mặt lên trời cười to rồi vứt bản sao lại, vùn vụt
ra đi, vừa đi vừa nói:
Té ra toàn là chuyện bày đặt viễn vông cả. Không những người làm không biết, người
chép không biết, mà cả người đọc cũng không biết nữa. Chẳng qua chỉ là thứ văn chương
du ký, để cho thích thú tính tình mà thôi.
Nhưng ráng chiếu cố một đoạn nữa, vì những câu thơ ghi nhớ sẽ hiểu rõ hơn.
Người đời sau thấy bản truyền kỳ này, cũng đã viết bốn câu kệ, để bổ sung vào những lời
nói từ đầu của tác giả.
Nói đến nỗi chua cay,
Hoang đường lại buồn thay.
Xưa nay đều cảnh mộng,
Chớ bảo người đời ngây.
HẾT