HỒNG LÂU MỘNG - Trang 25

đến canh ba mới tan tiệc.
Sĩ Ẩn tiễn Vũ Thôn về rồi vào buồng ngủ một mạch, khi mặt trời lên ba con sào mới dậy.
Nhân nghĩ việc đêm qua, Sĩ Ẩn muốn viết hai bức thư, gởi cho người quen làm ở Kinh,
tiến cử Vũ Thôn, để Vũ Thôn có chỗ nương thân. Liền cho người đến nhà mời Vũ Thôn,
người nhà vừa đi đã về ngay nói:
Hòa thượng ở đó bảo ông Giả đã đi Kinh từ canh năm và có lời thưa với cụ rằng: người
đọc sách không cần ngày “hoàng đạo” hay “hắc đạo” chỉ cần được việc thôi, nên đi
không kịp từ biệt.
Sĩ Ẩn nghe nói, cũng thôi không nghĩ đến nữa.
Tháng ngày thấm thoắt, đã đến tiết nguyên tiêu. Sĩ Ẩn sai người nhà là Hoắc Khải ẵm
Anh Liên đi xem hội hoa đăng. Đến nửa đêm, Hoắc Khải đặt Anh Liên ngồi ở ngoài cửa
một mình rồi đi tiểu. Khi quay lại, không thấy Anh Liên đâu, Hoắc Khải hốt hoảng đi tìm
suốt đêm, sợ không dám về báo cho chủ biết liền trốn đi nơi khác.
Sáng hôm sau, vợ chồng Sĩ Ẩn không thấy con về, biết rằng có chuyện không hay xảy ra,
liền sai người đi tìm các ngả, tuyệt nhiên không thấy tung tích. Vợ chồng Sĩ Ẩn nửa đời
người mới có mụn con gái, bây giờ lạc mất, buồn rầu biết là chừng nào! Vì thế ngày đêm
than khóc, dở chết dở sống. Một tháng sau vì thương nhớ con Sĩ Ẩn bị ốm, vợ là họ
Phong cũng ốm, ngày ngày thuốc thang bói toán.
Đến rằm tháng ba, trong miếu Hồ Lô bày cỗ cúng Phật, hòa thượng không cẩn thận để
chảo dầu bốc cháy lan ra giấy dán cửa sổ. Các nhà ở vùng ấy đều giậu tre vách ván,
dường như đó cũng là số kiếp phải chịu, nên cứ nhà nọ cháy sang nhà kia, cả phố bốc lên
như núi lửa. Bấy giờ tuy có quân dân đến chữa, nhưng lửa đã cháy to, không sao cứu
được! Cháy suốt một đêm mới tắt, bao nhiêu nhà đều hóa ra tro. Đáng thương nhất là nhà
họ Chân ở ngay liền miếu, chỉ còn trơ lại một đống ngói gạch vụn. May sao hai vợ chồng
và người nhà không ai việc gì. Sĩ Ẩn dậm chân thở dài, bàn với vợ về trại ở. Nhưng lại
gặp mấy năm mất lúa, trộm cướp như ong, tranh ruộng cướp đất, dân khổ trăm chiều. Vì
vậy quan quân đến nã bắt luôn, khó bề yên thân được. Sĩ Ẩn phải bán trang trại, đem vợ
và hai người đầy tớ gái về ở với bố vợ là Phong Túc, một người làm ruộng, nhưng là
hạng giàu có ở châu Đại Như. Thấy con rể bối rối đến ở nhờ, Phong Túc trong bụng khó
chịu. Sĩ Ẩn may còn có số tiền, liền bỏ ra nhờ bố vợ mua hộ nhà đất để làm kế sinh nhai.
Phong Túc vừa mua vừa ăn bớt, chỉ còn được một ít nhà nát ruộng xấu. Sĩ Ẩn lại là nhà
nho, không quen việc cày cấy, gượng gạo qua một vài năm, vốn liếng hết sạch. Phong
Túc trước mặt rể thì nói năm ba câu sáo, nhưng khi gặp người khác thì lại nói xấu rể chỉ
quen ăn biếng làm. Sĩ Ẩn biết thế, trong lòng rất hối hận, nghĩ đến tai biến năm trước,
vừa tức vừa giận, lại thêm ấp ủ mối thương tâm. Một người gần đến tuổi già như Sĩ Ẩn,
chịu sao nổi cảnh đau ốm và nghèo khổ giày vò, dần dần càng ngày càng cảm thấy quang
cảnh tiêu điều. Một hôm, Sĩ Ẩn chống gậy ra phố chơi cho đỡ buồn, chợt thấy một vị đạo
sĩ khiễng chân, giầy gai áo rách, ngông cuồng phóng túng, tập tễnh đi đến, miệng đọc
mấy câu:
Hảo Liễu Ca
Phiên âm
Thế nhân đô hiểu thần tiên hảo,
Duy hữu công danh vong bất liễu!

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.