HUẾ TẢN VĂN - ÁO BAY KHÉP MỞ NHIỀU TÂM SỰ - Trang 13

Cả những khi không cần nhắc tên dòng sông, không nhắc đến Huế,

nhưng câu ca vẫn nói về dòng Hương Giang:

Tiếng đàn xao xuyến, phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền, mấy cung

trìu mến như nước reo mạn thuyền. Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao
nao bầu sương khói phủ quanh trời

(Thiên thai - Văn Cao).
Em đi qua chuyến đò, lắng nghe con sông nằm kể, trăng ơi trăng rất

tệ, mày đi nhớ chóng về

(Biết đâu nguồn cội - Trịnh Công Sơn)
Con sông nhẹ như thơ, như nhạc cũng đã đi vào tranh, vào ảnh, vào

những tác phẩm mỹ thuật, mỹ nghệ với những sắc màu lung linh và đường
nét gợi cảm. Cũng bởi thế mà tranh vẽ về sông Hương, ảnh ghi lại những
phút giây vô thường của dòng sông nầy cũng là những tác phẩm đắc ý của
nhiều tác giả.

Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của sông Hương còn gắn liền hài hòa với

kinh thành, lăng tẩm, đền chùa, với các công trình kiến trúc và những mảnh
vườn xanh tươi của xứ Huế. Ven hai bờ sông Hương, một dãy kinh thành
cổ kính với các tòa Nghinh Lương đình, Phu Văn lâu, Thương Bạc đình và
các cửa thành thâm nghiêm, gắn kết với những cung điện thấp thoáng trên
bờ, với hệ thống lăng tẩm kiến trúc xinh xắn của các bậc vua chúa, với
chùa Linh Mụ, điện Hòn Chén, đồi Vọng Cảnh, gò Long Thọ một thời trầm
mặc soi bóng xuống dòng sông.

Con sông nửa thực nửa mơ nhưng đã làm nên thần thái của Huế. Có ai

đó - hình như là Nguyễn Tuân - đã từng đưa ra một câu hỏi tàn khốc "Giả
như Huế không còn sông Hương". Chỉ "giả như" thôi mà đã làm rúng động
lòng người. Không cần phải đến lúc dòng sông mất đi, chỉ cần những ngày
dòng sông vẩn đục bất thường thì từ trên những trang văn, trang báo đã
bàng hoàng lên tiếng báo động "Ai cứu lấy dòng sông Hương?" và cả trên
trang thơ cũng ngậm ngùi:

Thuyền chao chạnh bao ngày sông bệnh
Để rồi lại reo vui
Dòng Hương Giang chớm mùa xanh lại

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.