Trở về với dáng vẻ muôn đời, như núi Ngự, sông Hương vẫn cùng đi
với Huế mà nhà thơ tiên cảm Bùi Giáng đã khẳng định:
Rằng thưa xứ Huế bây giờ
Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương
Con sông đó đã từ thơ vào với nhạc, với họa, với đời sống văn hóa
muôn vẻ của Huế một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không chút gượng ép. Bài
tình ca đầu tiên về Huế của Nguyễn Văn Thương viết từ năm 1936, cũng là
tình khúc hiện đại sớm nhất của Việt Nam, bài hát đã gắn ngay với sông
Hương: "Trên sông Hương". Từ đó, những bài hát về Huế không thoát nổi
những ám ảnh của dòng sông xanh chở đầy tiếng ca này. Lần lượt là "Tiếng
sông Hương" của Phạm Đình Chương, "Hương Giang còn tôi chờ" của
Châu Kỳ, "Nhắn về sông Hương" của Minh Kỳ, "Thành phố bên bờ sông
Hương" của Tân Huyền, "Dòng sông ai đã đặt tên" của Trần Hữu Pháp,
"Người sông Hương" của Hồng Đăng, "Dòng sông em đã mang tên" của
Phạm Trọng Cầu, "Chiều thu bên sông Hương" của Thế Bảo, "Sông
Hương" của Xuân Cửu, "Mơ sông Hương" của Hà Chí Hiếu, "Chiều sông
Hương" của Vĩnh Phúc, "Có một dòng sông" của Trần Hữu Dàng, "Lời ru
dòng sông" của Lê Phùng, v.v... và cho dù không nhắc đến sông Hương
trong tiêu đề thì hầu như những tình khúc đã hát về Huế là hát về sông
Hương:
Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương. Lạnh lùng trong bóng
chiều dòng sông Hương
(Khúc tình ca xứ Huế - Trần Đại Mỹ)
Hàng cây soi bóng nước Hương, thuyền xa đậu bến Tiêu Tương lưu
luyến thay phút say hương dịu buồn
(Đêm tàn Bến Ngự - Dương Thiệu Tước)
Ngày mai lênh đênh trên sông Hương. Theo gió mơ hồ hồn về đâu
sông sầu còn...
(Gợi giấc mơ xưa - Lê Hoàng Long)
Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang, tôi gặp một tà áo tím,
nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
(Tà áo tím - Hoàng Nguyên)