Chu Sa Lan
Huơng mù u
Chương 9
Trời chưa tối mà mọi người đông đủ. Bảy người kể cả Hoài. Ba trai và bốn
gái. ngồi quây quần trên hai chiếc chiếu trải ở sân sau. Chung quanh vắng
vẻ nên họ tha hồ cười nói mà không sợ phiền chòm xóm. Bánh kẹo thời có
bánh in và kẹo dừa. Ở đây bánh in với kẹo dừa rẻ tiền nhất. Nước thời có
nước trà với xá xị. Hoài phụ vào với mấy phong mè xửng và một thứ đặc
biệt là ô mai. Cái này hết trước nhất vì được mọi người chiếu cố kỹ. Mọi
người cười đùa trêu chọc lẫn nhau rồi bắt đầu vào chuyện văn chương.
Hoài ngạc nhiên khi biết sinh hoạt của nhóm người này. Họ gặp nhau để
làm thơ, viết văn, để thảo luận về các buổi sinh hoạt văn nghệ của trường,
về chuyện in một đặc san kỷ niệm niên học cuối cùng của trung học đệ nhất
cấp. Có người trong bọn họ vì gia cảnh sẽ phải thôi học. Có người sẽ thi
vào trường sư phạm trung cấp để trở thành một người thầy giáo làng, quận
hay tỉnh lỵ. Có người sẽ làm công chức. Có người sẽ đi lính. Tuy nhiên học
sinh ở đây có cuộc sống khác hơn các học sinh Sài Gòn. Yên bình hơn, lý
tưởng hơn, văn nghệ hơn, dù Sài Gòn được mang tiếng là thủ đô văn hóa
của nước Việt Nam Cộng Hoà. Thanh niên nam nữ ở đây chưa bị đầu độc
bởi các trào lưu tư tưởng ngoại lai, cái mà người ta gọi là đợt sống mới,
hiện sinh của Sartre, Camus. Cái mà người ta gọi là hippy, thích nhạc ngoại
quốc ồn ào. thích rượu chè. sì ke. ngồi vỉa hè Lê Lợi, giết thời giờ bằng
những giọt cà phê đen đặc. Đó là đám con nhà giàu, ăn chơi nhờ tiền của
cha mẹ, đám con nhà quan quyền mặc quần ống rộng, áo bó sát da, ngồi
rung đùi uống bia bằng đồng tiền tham nhũng của cha, chạy áp phe của mẹ.
Sài Gòn nhan nhãn đám thanh niên vô lý tưởng, mất quân bình giữa triết lý
và lễ nghi á đông với tiện nghi vật chất của tây phương. Đêm nay ngồi cùng
chiếu với mấy người bạn của Tiên Sa Hoài mới cảm nhận một điều là nông
thôn và tỉnh lẻ mới chính là nơi mà người ta còn giữ đưọc nhiều truyền
thống cao quý và tốt đẹp của người Việt.