Mà người Anh lại sống trong khu biệt cư cũ tên là Đại lộ Ngoại giao.
Còn người Mỹ sống tập trung ở khu phức hợp riêng của họ, quây quần bên
ông đại sứ, một ông George Bush nào đó.
Việc thiếu vắng hai quốc gia này chẳng hề ảnh hưởng gì đến chúng tôi.
Chúng tôi có thể bỏ qua người Mỹ và người Anh. Tuy nhiên, chúng tôi
không thể bỏ qua người Đức.
Chiến tranh nổ ra vào năm 1972. Chính vào năm đó, tôi hiểu ra một sự
thật to lớn: trên trái đất này, chẳng có ai được coi là không thể thiếu, ngoại
trừ kẻ thù.
Nếu không có kẻ thù, con người chỉ là một vật đáng thương. Cuộc sống
của anh ta là một thử thách, một gánh nặng đầy những hư không và ưu
phiền.
Kẻ thù, đó là Đấng cứu thế.
Chỉ mỗi sự tồn tại của kẻ thù thôi đã đủ để tiếp sức sống cho con người.
Nhờ có kẻ thù, cái biến cố tai hại mà người ta gọi là cuộc đời sẽ trở thành
một áng sử thi.
Chính vì thế, Chúa có lý khi nói rằng: “Hãy yêu thương kẻ thù của
mình”.
Nhưng Chúa lại suy ra từ đó những hệ luận lệch lạc: phải hòa giải với kẻ
thù, phải chìa nốt má trái ra v..v...
Thật là láu cá! Nếu hòa giải với kẻ thù, hắn sẽ không còn là kẻ thù của ta
nữa.