Và bởi vì những người bất hạnh ấy phải có việc để làm, nên khi đã đến
nơi, họ sẽ “dạy” ở ngôi trường Pháp nhỏ bé ở Bắc Kinh.
Đó là trường học đầu tiên của tôi. Tại đó, tôi đã trải qua ba năm được coi
là quan trọng nhất. Thế mà tôi đã cố công sục sạo trong trí nhớ, nhưng
chẳng thể nhớ nổi mình đã học được gì ở đó, ngoài việc gấp máy bay giấy.
Không sao cả. Tôi biết đọc từ khi mới bốn tuổi, biết viết từ khi năm tuổi,
và tôi biết tự buộc dây giày từ thời tiền sử cơ. Vậy là tôi chẳng còn gì để
học nữa.
Các giáo viên được giao một nhiệm vụ siêu phàm: không cho bọn trẻ giết
lẫn nhau. Và họ đã làm được. Thế nên phải chúc mừng những con người
đáng ngưỡng mộ này và phải hiểu rằng, trong điều kiện như vậy, dạy chữ là
một điều xa xỉ kỳ cục chỉ dành cho những kẻ không thực tế hết thời.
Đối với chúng tôi, những đứa trẻ mang đủ loại quốc tịch, giảng dạy
không khác gì tiếp tục cuộc chiến tranh bằng chính những phương tiện cũ.
Nhưng chỉ với một điểm khác biệt: ở Trường Pháp tại Bắc Kinh, không
có người Đức. Chúng đi học ở Trường Đông Đức.
Chúng tôi đã giải quyết vấn đề bức xúc này bằng một quy định tuyệt vời
và kinh hoàng: ở trường, kẻ thù là tất cả mọi người.
Vì trường rất nhỏ nên chúng tôi dễ dàng tiêu diệt lẫn nhau: chẳng cần
phải đi tìm kẻ thù, chúng ở khắp nơi, ngay trong tầm tay, với khoảng cách
thích hợp để cắn, đá, khạc nhổ, cào cấu, đập vào sọ, ngáng chân, đái và
nôn. Thật là dễ dàng.
Ngôi trường này càng tuyệt vời hơn vì một phần tư số học sinh ở đây
không biết một từ tiếng Pháp nào và thậm chí, chưa từng có ý định học lấy