thật. Đại đội cối của chúng tôi đánh vào Hải Lăng tạo nên những đám cháy
lớn. Trận địa pháo của địch bị câm họng. Khi rút, chúng tôi dính một trái
cốt 106,7 mili mét từ La Văng bắn tới. Mai Như Xuân bị một mảnh cối vào
bụng. Chiến sĩ quân y mới ra trường lại đánh trận đầu hoảng hốt băng
không trúng vết thương. Vì toàn thân Mai Như Xuân chỗ nào cũng thấy
máu. Gần 6 giờ sáng ngày 27 tháng 11 năm 1967, Mai Như Xuân tắt thở.
Khi bó cho anh, Ngân phát hiện ra anh bị thương vào bụng nhưng chiến sĩ
quân y lại băng vào sườn. Ngân nói với tôi điều đó. Tôi nói với Ngân:
"Đồng chí không được nói điều này với ai. Đồng chỉ Hưởng trót băng nhầm
chứ không cố ý. Tôi là trung đội trưởng tôi sẽ chịu trách nhiệm chứ không
phải là đồng chí. Vì đồng chí đã báo cáo tôi rồi". Nghe lời tôi, Ngân im như
thóc giống để trong bồ. Sau khi mai táng cho Mai Như Xuân, tôi nói riêng
với chiến sĩ quân y Hưởng: "Đồng chí phải rút kinh nghiệm. Đồng chí
Xuân bị thương vào bụng chứ không bị thương ở sườn". Hưởng ôm mặt
nức nở: "Anh Xuân ơi! Em giết anh rồi!" Tôi sẵng giọng: "Thôi, im đi! Lộ
ra là bị kỷ luật đấy."
Xuân Mậu Thân, đại đội tôi đánh vào Quảng Trị, Hưởng bị thương nặng.
Trước khi nhắm mắt, Hưởng thều thào: "Em cảm ơn anh và anh Ngân. Em
không phải mang kỷ luật xuống mồ". Nghe được câu nói ấy của Hưởng,
Ngân cũng khóc. Có điều, Ngân không phải ân hận với Hưởng.
Sự ký thác của Mai Như Xuân tôi không bao giờ quên. Tôi đã định viết
"Huyền sử cỏ tiên" từ lâu rồi. Nhưng những trang viết khác cứ "ăn vạ" tôi
nên điều ký thác của người đã khuất cứ nằm trong ý nghĩ.
Bỗng một ngày vào cuối tháng 10 năm 2001, một bà già tìm đến nhà tôi,
hỏi:
- Xin lỗi, bác có phải là bác Hoàng không?
Tôi lục bộ nhớ và thấy rằng tôi không quen bà này.
- Vâng, tôi là Hoàng, mời bà vào nhà.
Vừa vào trong nhà, người đàn bà đã tự giới thiệu:
- Tôi là Thảo, chị gái của Mai Như Xuân. Tôi từ Sài Gòn ra. Bác ơi, tôi đi
khắp các nghĩa trang ở Quảng Trị mà không tìm thấy phần mộ của cậu
Xuân. Nghe nói bác biết nơi chôn cậu Xuân?