tĩnh thế nào nhà Vua biết cả. Trương Văn Chất bèn nói:
- Thí một tên Thái giám để giữ bí mật lâu dài, vị Vua ấy thật cao mưu, chỉ
khốn nạn cho tên Thái giám phải chết oan.
Phan Đức Vinh tiếp lời:
- Một vị Vua đã dám mượn tay kẻ khác thiêu trụi cả kinh thành thì mạng
một tên hoạn quan có đáng gì.
Trương Văn Chất bình luận:
- Vin vào vụ cháy thành, vị Vua ấy trừ khử được bọn tà giáo, bọn đâm thuê
chém mướn và quan Hộ thành gian giảo. Không biết sau đó, vị Vua ấy xây
lại kinh thành như thế nào?
Phan Đức Vinh cười:
- Đó mới là mục đích chính của vị Vua ấy.
Rồi Phan Đức Vinh thủng thẳng kể: Để xây lại kinh thành, nhà Vua đã bố
cáo: "Kinh thành chẳng may bị bọn bất lương đốt cháy. Trẫm sẽ cho xây lại
to đẹp hơn trước. Từ quan đến dân ai có lời sáng, ý hay góp phần kiến tạo
lại kinh đô hãy trình lên Trẫm. Ai đáng thưởng, Trẫm sẽ thưởng…" Quan
dân cả nước nô nức dâng sáng kiến lên nhà Vua. Ngài bèn chọn lấy những
ý kiến hay nhất rồi hợp lại tạo nên hình mẫu kinh thành và kế hoạch xây
cất. Từ quan to đến quan nhỏ theo phẩm hàm mỗi người có một phần đất
bỏ tiền ra xây theo mẫu của nhà Vua. Dân trong kinh thành mỗi nhà được
một phần đất theo nhân khẩu Bộ Hộ quản lý. Dân xây cất nhà cũng phải
tuân theo quy định chặt chẽ của triều đình. Quan cũng như dân, ai muốn
xây cất nhà theo kiểu cách của mình thì phải xây ở khu đất mà nhà Vua đã
quy định ở ngoại ô kinh thành. Việc mua bán nhà và đất được quy định chặt
chẽ. Ai bán nhà, đất phải bán cho Bộ Hộ. Nhà, đất mua bán không thông
qua Bộ Hộ đều bất hợp pháp. Bộ Hộ chịu trách nhiệm trước nhà Vua về các
trường hợp mua bán gian lận, đầu cơ nhà đất. Gần mười năm sau, kinh
thành được xây xong. Phố nào ra phố ấy, dọc ngang thẳng tắp. Các đường
phố chính có chiều rộng ba mươi ngựa đi hàng ngang. Đường phố phụ có
chiều rộng bằng nửa đường phố chính. Các đường phố thông với nhau như
bàn cờ, đi lại rất thuận tiện. Kinh thành mới đẹp hơn cả niềm ao ước để cho
các quốc gia láng giềng vươn tới. Gần một nghìn năm sau, trong một lần tu