sửa cung điện, người ta tìm thấy bút tích của nhà Vua và Thái giám. Người
người bàng hoàng. Thì ra nhà Vua chủ trương đốt kinh thành để xây lại,
còn Thái giám chỉ là người thừa hành bị động. Thành cháy rồi, ông ta mới
biết ý định của nhà Vua. Trung thành với nhà Vua, ông ta tự chết để giữ bí
mật đó. Ngày nay, kinh thành đó vẫn làm cho đời ngỡ ngàng chiêm bái vẻ
lộng lẫy của nó.
Trương Văn Chất ngẫm nghĩ nói:
- Quả là một vị Vua anh minh, chí lớn có một không hai. Làm việc lớn,
người đứng đầu quốc gia phải có bản lĩnh như núi. Việc gì cũng hỏi ý kiến
quần thần mà quần thần dốt nát thì chỉ thêm rách chuyện. Bậc đại trí, đại
dũng phải dám quyết, làm cái gì cũng sợ sai thì đừng ngồi vào ngai vàng,
ngồi vào chỉ làm khổ dân.
Ngừng lại giây lát, Phan Đức Vinh hỏi bạn:
- Vậy Bác thấy kinh thành của một vương quốc to hay bộ Bách Khoa Thư
chừng mươi vạn lạng bạc to?
Trương Văn Chất đáp:
- Kinh thành của một vương quốc ví như con voi, bộ Bách Khoa Thư bất
quá là cái tai con voi thôi. Nhưng thôi bác ạ, tôi với bác chỉ là hai anh nho
sinh áo không có túi nên thi mãi mà không đỗ. Lời nói ngay thẳng của
chúng ta không khéo lọt vào tai kẻ ác hoạ đến thân ngay. Cứ lấy quan Tổng
đốc mà làm gương. Ngài chết vì nói thẳng đấy.
Phan Đức Vinh khẽ cười:
- Bác lại nhụt chí rồi. Không có tiền nhưng chúng ta có chữ. Thế nào tôi và
bác cũng đỗ. Đã là Cử nhân, Tiến sỹ thì phải có một cái gì đó sáng sủa hiện
lên chứ còn Cử nhân, Tiến sỹ bụng toàn cơm với thịt, viết câu còn lỗi, đọc
chữ còn nhầm thì mang cái danh hão làm gì.
Tể tướng đứng gần đó đã nghe rõ hai nho sinh nói chuyện với nhau bèn
bước lại sát bàn cờ góp lời:
- Nghe hai vị bàn về Bách Khoa Thư, tôi mạo muội xin hỏi. Lúc nãy có một
vị nói trong Bách Khoa Thư có chỗ viết thiếu căn cứ. Tôi đã đọc mà không
nhìn ra, xin thức giả chỉ hộ.
Hai nho sinh cùng ngước lên nhìn người vừa hỏi. Trương Văn Chất đáp: