Tư dinh của Tri huyện là nơi Ba Hổ lựa chọn để kiếm chác. Nhằm lúc
chạng vạng tối, mọi người trong nhà quan sơ hở, Ba Hổ lẻn vào lãnh địa
của Tri huyện tìm một chỗ thuận lợi ẩn nấp. Trời tối hẳn. Đêm Ba Mươi Tết
tối như đêm ba mươi. Trong nhà Tri huyện, có bao nhiêu đèn đều được
chong lên hết. Đèn giăng khắp nơi. Cái kim nằm trên đất cũng hiện lên rõ
mồn một. Lính canh, gia nhân trong dinh Tri huyện chia nhau coi các lối ra
vào. Ba Hổ nhận thấy không thể hành sự như cách vẫn thường làm. Một tia
sáng vụt lên trong đầu Ba Hổ. Như một con mèo rình chuột, Ba Hổ nép
mình rình. Lát sau, một ông già uể oải đi tới. Ba Hổ phán đoán: "Có lẽ ông
này là người hầu già". Nhẹ nhàng, Ba Hổ băng ra chịt cổ ông già lôi vào
một chỗ kín. Ông già run cầm cập. Ba Hổ nói rành rọt đủ nghe:
- Tôi là Ba Hổ nhưng ông không phải sợ. Ông nghe tôi, tôi sẽ ơn ông. Ông
kêu lên hoặc chống lại, buộc lòng tôi phải xuống tay…
Đã biết tiếng Ba Hổ lại thấy ánh dao lấp loáng, ông già run run đáp:
- Tôi xin nghe! Tôi xin nghe!
- Vậy thì cảm ơn ông. Nhà ông ở đâu?
- Nhà tôi ở Bích Cư.
- Có Tết chưa?
- Đã được về đâu mà Tết với nhất. May lắm, bà nhà tôi cũng chỉ lo được
xẻo thịt bụng và vài đấu gạo.
- Cởi quần áo ra!
Hiểu ý, ông già cởi quân áo. Ba Hổ quẳng quần áo của mình cho ông già
rồi vơ lấy quần áo của ông già khoác vội vào người. Ông già vừa mặc xong
quần áo, Ba Hổ nói nhỏ:
- Xin lỗi ông tôi phải làm thế này.
Ba Hổ trói nghiến ông già vào gốc cây si, cởi khăn bịt chặt mồm ông già
lại. Ông già gật gật đầu rồi hất hất hàm. Ba Hổ đàng hoàng bước tới nhà
ngang cua một gánh nặng hàng tết gánh ra dấu vào góc vườn. Quay lại nhà
ngang, Ba Hổ vơ những thứ dễ bén lửa xếp thành đống châm lửa đốt. Lửa
vừa bén thành ngọn, Ba Hổ quay ra góc vườn chờ. Khi ngọn lửa bốc cao, tư
dinh Tri huyện như chợ vỡ. Mọi người cắm đầu vào dập lửa. Ba Hổ lẻn ra
phía cổng sau với gánh hàng Tết oằn vai.