NHÂN CHỨNG CUỐI CÙNG CỦA CHUYẾN ĐI
ĐẦU TIÊN
Đến Đà Nẵng, như thể linh cảm mách bảo, chưa kịp về nhà khách, tôi và Tô
Hải Nam tuông ngay đến phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Nơi đó
có một người, là nhân chứng cuối cùng của chuyến đi đầu tiên mà chúng tôi
không thể không gặp lại.
Cách đây đã lâu lắm, tình cờ tôi nghe ai đấy nhắc đến tên một trong sáu
người đi chuyến đầu tiên chở vũ khí vào miền Nam bằng đường biển từ
những năm 1960, còn sống. Tên anh là Huỳnh Ba, hiện ở dưới chân đèo Hải
Vân. Chuyện đó chìm đi cùng thời gian và sự bận bịu, bỗng trong chuyến
về Đà Nẵng công tác cách đây đã mấy năm, thông tin tơ nhện ấy được chắp
nối, đánh thức. Và tôi, dẫu chẳng mấy hy vọng, cũng quyết định lần tới đó,
lần tới Nam Ô.
Đà Nẵng năm ấy mưa nhiều. Khí hậu trở nên đỏng đảnh. Cũng tại con
người thôi. Môi trường sống đang bị phá vỡ.
Mưa tạnh, tôi vẫy chiếc xe ôm, chạy về Nam Ô.
Nam Ô là mút cùng phía Nam chân đèo Hải Vân. Trước đây vùng này nổi
tiếng về nghề làm pháo và nghề làm mắm. Pháo Nam Ô nổ giòn, khi nổ,
giấy đỏ được nhuộm bung ra rực rỡ như hoa. Mắm Nam Ô đậm, thơm ngọt,
nếm một lần, hương vị đọng mãi nơi đầu lưỡi...
Như kẻ nhàn rỗi dở hơi, tôi lân la vào từng nhà, la cà ngoài bãi biển, gợi ý,
giải thích, dò hỏi. Và trời ạ, chẳng rõ có phải do duyên phận, hay do đồng
đội nằm lại Vạn Ninh phù hộ, cuối cùng kẻ ngu ngơ này đã gặp may. Tôi đã
tìm được anh. Phải, anh Huỳnh Ba, một trong sáu thủy thủ, đêm 30 Tết năm
Canh Tý (1960), cách đây hơn 40 năm vượt biển đi về phía Nam...
Anh Huỳnh Ba quê xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, sinh năm
1925. Gặp tôi hồi đó anh đã bước vào tuổi bảy lăm. Tóc bạc, lông mày bạc.
Tôi ngắm, và chẳng nhận ra ở con người này nét gì đặc biệt. Như nhiều ngư
dân đã có tuổi, người anh quắt hóp, khắc khổ nhưng vẫn nhanh nhẹn. Khác
chăng là e dè, ít nói. Và cũng dễ dàng nhận ra ở con người này không một