tuần tra của địch và thuyền đánh cá của dân đổ ra nhiều. Loay hoay ở đây sẽ
lộ. Anh Nguyễn Bất quyết định, để giữ bí mật con đường vận chuyển trên
biển, phải phi tang hàng. Phương án này đã có trong kế hoạch...
Anh Huỳnh Ba ngừng kể, chầm chậm châm điếu thuốc, rít một hơi, mắt vẫn
hướng ra biển, nói tiếp:
- Chiều đó chúng tôi bị bắt. Tuy người và thuyền có giấy tờ hợp pháp, lại
khai rất khớp rằng đi đánh cá bị lạc, dạt vô đây, song vẫn bị chúng tách ra
giam mỗi người một nơi. Tôi bị nhốt ở Đà Nẵng, rồi chuyển vô Sài Gòn. Ở
khám Chí Hòa chẳng khai thác được gì, chúng tống qua Phú Lợi. Rồi từ
Phú Lợi đầy ra Côn Đảo. Vài năm bị giải về đất liền. Không bao lâu, lại ra
Côn Đảo. Cứ vậy, suốt 14 năm, tôi bị chuyển tới chục lần. Năm 1974 được
thả. Lần về đến Nam Ô thì vừa lúc quê hương giải phóng.
- Vậy còn năm người kia, tôi hỏi, các anh ấy quê ở đâu?
Anh Huỳnh Ba rành rẽ:
- Anh Nguyễn Bất, Nguyễn Nữ, người Duy Xuyên; anh Nguyễn Sanh quê
Tam Kỳ; Anh Huỳnh Sơn người Thăng Bình; năm anh em tôi đều quê
Quảng Nam, duy chỉ anh Trần Mức là dân Quảng Ngãi... Các anh đều đã hy
sinh ở chiến trường hoặc đã mất do bệnh tật. Sáu anh em chỉ còn lại một.
Tôi cố nén tiếng thở mạnh, không dám hỏi thêm nữa, e sẽ vô tình chạm tới
một cái gì đó sâu xa, thiêng liêng nơi anh.
Tôi ngước lên nhìn bức ảnh thượng tướng Nguyễn Chơn và anh Huỳnh Ba
tươi cười ôm nhau, treo trên vách, mới chụp gần đây, cảm được sự thú vị
của lịch sử. Cùng chung một nhiệm vụ nhưng mãi gần 40 năm sau, những
người trong cuộc mới có cơ gặp nhau. Thời đó Huỳnh Ba chỉ biết đưa vũ
khí vào chân đèo Hải Vân, còn ai ra đón, đâu rõ. Cũng khoảng thời gian đó,
tỉnh uỷ Quảng Nam nhận được tin từ miền Bắc điện vào: Chờ đón hàng ở
Hồ Chuối (đèo Hải Vân) từ đêm 30 Tết. Đồng chí Nguyễn Chơn, phụ trách
quân sự tỉnh, được cử đi làm việc ấy. Anh đến Hồ Chuối, thức ngóng ra
biển một đêm, hai đêm, không có tín hiệu. Ngóng một tuần cũng không
thấy thuyền. Ngóng một tháng, vẫn bằn bặt. Đành quay về cứ... Anh đâu
hay các thủy thủ trên tàu đã bị bắt!