C.130 sà xuống bắn pháo sáng, chỉ điểm. Súng của Huỳnh Văn Nữa bắn vỗ
mặt, buộc nó vọt lên cao, dạt ra. Pháo sáng khiến một vùng biển rực lên, rõ
như ban ngày. Nhằm ngăn không cho ta vào vàm, địch gọi thêm tàu, chắn ở
cửa Rạch Gốc, cửa Bồ Đề, đồng thời nã pháo lớn trước mũi. Dưới ánh pháo
sáng, tôi nhìn rõ địch đang bao lấy tàu 69. Chúng đổ đạn không tiếc. Chúng
tôi lâm vào tình thế gay go. Tàu bốc cháy. Thêm nhiều đồng chí bị thương.
Mảnh đạn găm vào chân báo vụ Phan Hải Hồ, máu chảy lênh láng. Hồ rất
dũng cảm. Xương chân dập nát, chỉ còn lớp da dính ngoài, vẫn ôm súng bắn
trả. Có lẽ chiếc chân gãy khiến anh vướng víu, nên khi thấy thuyền phó
Nguyễn Hấn đi tới, Phan Hải Hồ nói nhanh: “Anh giúp tôi chặt chiếc chân
này, vướng quá...Khó chiến đấu”. Đạn vẫn vãi trên boong. Từ trong buồng
lái, tôi nghe chính trị viên, bí thư chi bộ Tăng Văn Huyễn hô to: “Hãy bắn
mạnh nữa, trả thù cho đồng chí Dĩ. Hãy chiến đấu dũng cảm như đồng chí
Phan Hải Hồ”. Lúc này, bí thư chi bộ Tăng Văn Huyễn thực sự là linh hồn,
động lực của cuộc chiến đấu. Anh tiếp đạn. Anh chỉ huy bắn. Anh động
viên mọi người. Với khẩu AK trong tay, anh có mặt khắp nơi. Khi tầu cháy,
anh hô: “Các đồng chí, hãy cứu tầu”, rồi xông vào dập lửa. Đây là thời điểm
hết sức nguy cấp. Số người chiến đấu đang ít dần. Sau khi Đoàn Văn Dĩ hy
sinh, thợ máy Cao Sỹ Thập, một mình một khẩu DKZ, vừa nạp đạn vừa
bắn. Chiến sỹ hàng hải Hoàng Thanh Loan, mặc đạn nổ quanh mình, bình
tĩnh điều khiển tay lái, đưa tàu đi đúng ý đồ của thuyền trưởng... Tăng Văn
Huyễn, Nguyễn Hấn, Nguyễn Tiến Hai thực sự là những chiến sĩ có bản
lĩnh. Vừa chạy máy, vừa điều khiển tàu vòng tránh, vừa chiến đấu quyết
liệt.
Chúng tôi vào gần bờ, bọn địch càng bắn mạnh. Chỉ còn một chân, Phan
Hải Hồ vẫn lê đi, điểm từng loạt đạn rất chuẩn. Nhìn Hồ đau đớn, nhưng
không nao núng, chính trị viên Tăng Văn Huyễn cảm động, nói to: “Nhân
danh bí thư chi bộ, tôi tuyên bố, từ gìơ phút này, đồng chí đảng viên dự bị
Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của đảng”. Đáp lời anh, súng
của Cao Sỹ Thập, súng của Hồ Quang Phụng, súng của Huỳnh Văn Nữa
đồng loạt nhả đạn về phía địch.... Bị áp đảo, nhưng chúng tôi cũng đưa
được tàu vào sát cửa vàm. Đây là cơ hội ra khỏi vòng vây. Khi đạn của du
kích bắn ra yểm trợ, mặc máy bay quần lượn, thả bom, bắn rốc két, chúng
tôi cho tàu lách nhanh vào vàm. Vào được đó, coi như đã ở trong “công
sự”. Chúng tôi đưa anh em bị thương lên trạm xá đoàn 962, điều trị. Rồi
cùng đồng đội ở bến kiếm hòm, chôn cất đồng chí Dĩ... Những ngày đó, tôi