- Chị cũng đồng ý để anh “di cư ”?
- Không đồng ý sao được, - Anh Sáu cười vui- đảng viên thì phải chấp hành
lệnh của Đảng chớ...
- Rồi anh xuống tàu?
- Từ Thanh Hoá, theo ô tô đi Hải Phòng. Từ Hải Phòng xô nhau xuống tầu
“há mồm” để ra tầu Mỹ đỗ tít ngoài khơi. Ba ngày sau đến Sài Gòn. Hàng
ngàn người nhếch nha, nhếch nhác đổ xuống cái thành phố xô bô xa lạ ấy.
Những người đón tiếp thông báo, ai có người thân khai báo để đoàn tụ; ai
không có thì lên xe. Tôi thuộc diện thân cô. Hôm sau, ô tô chở tới một khu
thuộc Châu Thành, Mỹ Tho. Tại đây, tôi phát hiện ra điều bất lợi: Có nhiều
người đến trước là dân Nga Sơn. Họ thừa biết tôi từng giữ vai trò gì. Trong
số đó có vị cha xứ, chắc chắn chưa thể quên người con trai ông trùm họ.
Một lần tôi và tổ du kích đã phục kích bắt quả tang vị cha xứ này khi lão
đang ngủ với người đàn bà goá trong nhà thờ. Lúc chúng tôi đạp cửa ập
vào, lão hoảng loạn bật dậy. Tay vơ quần áo, miệng lắp bắp điều gì như thể
cầu nguyện. Còn người đàn bà bản lĩnh hơn, để nguyên cái cơ thể ngồn
ngộn trắng lốp ấy, chị khinh khỉnh bước qua mọi người, ra ngoài. Sau này
nghĩ lại, tôi không khỏi buồn cười về sự ấu trĩ, nông nổi và tự trách mình vớ
vẩn... Cái việc riêng tư vặt vãnh ấy đâu quan trọng tới mức phải huy động
đến súng ống, du kích... Nhưng thời bấy giờ, nó vậy.
Biết khó ở lại Châu Thành, tôi liền lẩn đi nơi khác. Tôi tìm cách sang Đồng
Tâm. Nơi đây cũng đông giáo dân di cư, nhưng toàn người Phát Diệm.
Không một ai quen. Người Phát Diệm nơi đây sống bằng nghề dệt chiếu.
Mình người Nga Sơn, làm chiếu là gia truyền, nên hòa nhập rất nhanh. Tôi
làm công nuôi thân...
- Nhưng anh là cán bộ của Bến Tre...? - Tôi sốt ruột hỏi.
- Chuyện dài lắm... Chừng nửa năm sau, nghe đồn ở Bến Tre đang mộ
người đắp đê, vậy là đi. Ở Bến Tre mấy năm liền, vừa kiếm sống, vừa hoạt
động. Lúc nhận nhiệm vụ ra Bắc, tôi là thành viên của Đoàn chủ tịch mặt
trận tỉnh.
- Anh kể kỹ khúc đó nghe, anh Sáu! - Tôi nói.