Đảng uỷ và thủ trưởng Đoàn 125 nhận định: Bờ biển miền Nam rộng và
dài, tuy lực lượng đông, Mỹ- ngụy không thể không có những vị trí sơ hở;
vùng giải phóng và vùng địch tạm chiếm đóng xen kẽ; tầu thuyền của dân
đông; ta đi trên vùng biển quốc tế, có nhiều tầu thuyền các nước khác qua
lại...
Đó là những thuận lợi cần triệt để khai thác và vẫn có thể tiếp tục chi viện
trực tiếp cho chiến trường.
Từ sự phân tích, đánh giá trên, tháng 7 năm 1969, Đảng uỷ Đoàn ra nghị
quyết:" Động viên nỗ lực cao nhất của toàn đoàn, tập trung mọi khả năng
vận chuyển để chi viện nhiều nhất vật chất cho miền Nam tiến lên giành
thắng lợi trong bất cứ tình huống nào"
Để chuẩn bị cho công tác này, Đoàn 125 đã cử tầu 42 đi trinh sát. Đây là
chuyến đi quan trọng nhằm thăm dò tình hình địch phong toả trên biển
Đông, mở một con đường mới, và những thông tin cần thiết khác nhằm
giúp cho các cấp hạ quyết tâm..." (Lịch sử Lữ đoàn 125- tức Đoàn tầu
không số- Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân- Năm 2001.
Tàu 42 đi trinh sát năm 1969
Trời rất nắng. Ti vi thông báo nóng đến 38 độ. Người có tuổi nói, hè năm
2010 là đợt nóng nhất trong 65 năm qua. Đà Nẵng mất điện thường xuyên
nên càng bức bối.
Phó chủ nhiệm Chính trị vùng Ba Hải quân, Nguyễn Văn Thành đưa chúng
tôi đến chơi nhà anh Phạm Duy Tam. Tôi biết anh Tam từ ngày anh còn làm
Phó tham mưu trưởng quân chủng Hải Quân. Tôi cũng rõ là tháng 4 năm
1975, anh đã cùng các anh Nguyễn Xuân Thơm và Nguyễn Văn Đức, ba
thuyền trưởng đã điều khiển tàu đưa bộ đội ra giải phóng Quần đảo Trường
Sa. Khi nhắc đến chuyện ấy, anh nói vui rằng, nếu hồi đó cánh thuyền
trưởng không giỏi, đưa tàu ra chậm một hai ngày, hoặc lạc đường, tình thế
sẽ khác, nhưng sau này ít ai nhắc đến chuyện lính tàu, người ta chỉ ca ngợi,
tuyên dương những người đã trực tiếp đổ bộ lên đảo. Phạm Duy Tam bộc
trực, nhân hậu, sống có tình. Khi làm thuyền trưởng, xông pha, tháo vát.
Khi là chiến sĩ, bản lĩnh, dũng cảm, coi thường hiểm nguy. Trong trận đánh
nhau với máy bay Mỹ ngày mồng 5 tháng 8 năm 1964 tại sông Nhật Lệ,