HUYỀN THOẠI TÀU KHÔNG SỐ - Trang 215

Trường Sơn vốn là thuyền trưởng, tạm giữ cương vị thuyền phó. Cán bộ tầu
còn có các anh Trần Ngọc Ẩn, chính trị viên; Phạm Nhậm, chính trị viên
phó và tôi: Phạm Duy Tam, thuyền phó. Cùng đi trinh sát với tàu 42 còn có
anh Nguyễn Ngọc Ẩn, phó tham mưu trưởng và anh Trần Phong, bấy giờ
làm trợ lý tham mưu của đoàn...

Ngày mồng mười tháng tám năm sáu chín (10-8-1969), chúng tôi có lệnh
lên đường đi khu Bốn, trên danh nghĩa là làm nhiệm vụ chở cán bộ Thanh
Hóa và Nghệ An ra thăm đảo. Đây là biện pháp nghi binh để giữ bí mật.
Chúng tôi chia tay bạn bè để đến miền Trung. Nhưng rời bến chưa được bao
lâu, liền có lệnh rẽ lên cầu Đá Bạc (Thủy Nguyên - Hải Phòng). Ở đó chúng
tôi tập trung huấn luyện sử dụng vũ khí, khí tài, các phương án đánh bộc
phá nếu hủy tàu... Đồng thời nhận cơ số thực phẩm, cơ số dầu, để có thể
hành trình dài ngày trên biển. Mấy ngày sau, tàu vòng ra Hạ Long. Dừng ở
hang Bồ Nâu hai ngày để sơn lại, rồi đêm hai hai tháng tám (22-8), lặng lẽ
nhổ neo. Chúng tôi không ra hướng đông mà ngược lên phía bắc. Tàu vòng
qua bán đảo Lôi Châu, đảo Hải Nam. Đến vùng biển Quốc tế ngang Trung
Quốc, quay mũi đi về hướng nam. Chúng tôi lần lượt đi qua Hoàng Sa, ra
Trường Sa, cách bờ tới ba trăm hải lý, tiến vào vùng biển Xu-Ma-Tra, tới
các đảo phía tây Ma-lai- xi-a rồi vòng vào Cô Công, Cô Tang thuộc vịnh
Thái Lan. Từ đó, chạy về vùng biển Tây Nam của ta. Thả trôi. Neo lại.
Chạy nhanh. Chạy chậm. Đủ cả... Chúng tôi đã dừng lại thăm dò một số
đảo hoang khu vực này. Ngày ba mốt tháng tám (31-8) đến vùng biển An
Thới, quan sát nghe ngóng đến cả tiếng đồng hồ. Hôm sau tới Thổ Chu,
Nam Du... Rồi ra phía đông, ngược trở về... Gần tháng trời lang thang khắp
biển đông. Đây có lẽ là lần đi dài nhất trong lịch sử của đoàn, hành trình
trên 4.500 hải lý (gần 9.000 cây số- ĐK). Qua chuyến đi này, chúng tôi đã
cung cấp cho Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải Quân nhiều thông tin
quan trọng. Đường hàng hải Quốc tế, đặc biệt là các tuyến Sài Gòn - Hồng
Kông; Xinh Ga Po- Thượng Hải; Băng Cốc - Ma Ni La...tàu các nước trong
khu vực đi lại khá nhộn nhịp. Trên các tuyến đó có máy bay và tầu chiến
Mỹ hoạt động. Nhưng chúng chưa dám tấn công vào bất cứ tầu dân sự nào.
Chúng chỉ theo dõi, khiêu khích. Đây là yếu tố có thể khai thác. Gần bờ,
địch tăng cường tàu chiến, máy bay hoạt động. Nhưng ta có lợi thế là ven
biển, nhiều vùng đã được giải phóng...

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.