cũng có thể nói rằng, quả có một giai đoạn anh em chúng tôi đã làm được
điều ngoài cái khả năng bình thường của con người... Không chỉ là sự gian
khổ, thấp thỏm trong mỗi chuyến đi, còn những mất mát khác phải chịu
đựng... Phía sau mỗi người là bao níu kéo...
Tôi hiểu ý anh...Và những mất mát ấy mới thực nặng. Trong một lần chở vũ
khí vào Trà Vinh, Nguyễn Văn Đức nhận được tin sét đánh: vụ thảm sát của
địch vào Thạnh Phú hồi đầu năm 1964, gia đình anh gồm: mẹ, chị, và hai
đứa cháu hy sinh... Trước đó, ba anh, người bí thư huyện ủy Thạnh Phú bị
bắt và bị đánh cho tới lúc chết... Vượt qua những nỗi đau ấy, thật chẳng dễ
dàng...
Lần này cùng Tô Hải Nam vào Sài Gon, tôi có điện cho anh. Hay tin, anh
chạy ô tô riêng đến nhà khách Hải quân tại đường Tôn Đức Thắng tìm.
Nghe nói anh đang cùng mấy cháu mở công ty, làm kinh tế. Anh rủ về nhà,
tôi cười khéo: “còn nhiều người cần gặp quá mà, anh Sáu!”. “Vậy hả, chú
vội, không ép, anh có cái này gửi chú xem qua”. Anh dúi vào tay tôi mấy
bài viết, ngồi một lúc nữa rồi ra xe. Hẹn lúc nào rảnh sẽ qua.
Đêm đó tại nhà khách Hải Quân, tôi mở tài liệu anh Đức gửi và ghi tóm tắt
thêm mấy điều về anh. Năm 1957 đến 1960, liên lạc xã, rồi bí thư đoàn xã
Thạnh Phong. Năm 1961 tham gia vượt biển ra Bắc. Tháng 10 năm 1961,
biên chế về đoàn 759 (tức đoàn tàu không số sau này). Tháng 11 năm 1962,
thủy thủ trên tàu Phương Đông 4, bí mật chở vũ khí vào Cà Mau. Tháng 3
năm 1963, thủy thủ trưởng tàu 69, chở vũ khí về quê hương Bến tre. Được
thưởng huân chương chiến công hạng Ba. Tháng 5 năm 1963, đi tàu 100
vào Trà Vinh. Năm 1964, biên chế về tàu 55 rồi tàu 43. Năm đó đi 6
chuyến, ba chuyến vào Cà Mau, hai chuyến vào Bến Tre, một chuyến vào
Trà Vinh. Năm 1965 đi hai chuyến vào Cà Mau. Cuối năm đi học trường Sĩ
quan Hải quân. Năm 1968, là thuyền phó tàu 43, chở vũ khí vào Quảng
Ngãi, gặp địch phải hủy tàu, rồi lội bộ, vượt Trường Sơn về lại miền Bắc.
Việc tàu 43 hai lần vào Quảng Ngãi và cả hai lần phải hủy là câu chuyện
dài, lý thú, liên quan đến nhiều người,, tôi sẽ hầu bạn đọc ở phần sau.
Anh Mười Tiến và chiếc tàu thứ hai của Bến Tre ra miền Bắc