bến vắng thuộc Cồn Tra, Thạnh Phong, Thạnh Phú. Chú hỏi có lo không?
Trời ơi, ai nói không lo là sạo. Thuyền nhỏ, máy không đủ sức đẩy, đường
xa, sóng gió bất thường, và lúc nào cũng có thể bị gô vô khám, sao không
lo! Mạng mình là chuyện nhỏ, nhiệm vụ trọng đại Đảng giao mới là mối lo
lớn. Phụ giúp chuyến đi chỉ một bản đồ thu nhỏ, một la bàn cũ. Hết! Gạo
không nhiều, chỉ 50 ký, cá khô đủ ăn dè, nước uống một phi; và dầu dự trữ
180 lít... Đồ dùng, lưới cụ chất lên, vừa đầy thuyền. Còn chừng ba mét
vuông phía sau, sáu anh em thay nhau ngả lưng... Ra khỏi cửa sông, máy ì
ra, không thắng nổi sức nước, đành căng buồm lên phụ trợ. Đêm đó mưa
lớn. Cơn mưa đột ngột kéo tới khiến chúng tôi không kịp xoay trở. Nước
ngập lòng thuyền. Anh Nhung trùm tấm ni lon mỏng ngồi phía cuối cầm lái,
còn năm anh em thay nhau tát. Nếu để máy bị ngập, coi như chuyến đi thất
bại, nên ai cũng ráng hết sức. Cơn mưa hôm đó mới dai chớ! Lại gió nữa.
Để giữ thuyền không bị lật, đành hạ buồm xuống... Chừng nửa đêm, gió đỡ
hơn, mưa tạnh dần. Đói, rét, buồn ngủ. Nhưng không thể nghỉ. Người tát
nước, người sắp xếp mọi thứ đã ướt mèm... Gần sáng, trời tạnh hẳn, chúng
tôi nhìn lên và nhận ra mình đã tới Bà Rịa. Buồm lại kéo lên. Gió đẩy, máy
đẩy, nhưng mỗi giờ cũng chỉ đi được bốn năm hải lý... Củi, gạo, cá khô,
quần áo mang ra phơi. Mười một giờ trưa mới nhóm được bếp. Đói meo...
Đêm đó, lẫn vào thuyền câu mực của dân, chạy miết. Cứ hướng Bắc mà đi.
Gần bờ, quan sát núi; xa bờ lái thuyền theo sao Bắc đẩu. Ngày hôm sau, gió
đông nam thổi mạnh. Thuyền chồm qua, chồm tới. Đã có người say sóng.
Chiều, cho thuyền chạy sát bờ để xác định vị trí. Biết đã đến Cà Ná, mừng
hết nói... Lại đi. Thay nhau ngủ. Thay nhau lái... Khó khăn tưởng đến vậy là
hết cỡ, ai dè hôm sau, phát hiện ra phi nước ngọt gỉ sắt thôi vàng khè, lại
thêm nước mặn tạt vào. Cực hết biết. Cũng đành nấu cơm và uống thứ nước
lờ lợ đó thôi... Nhưng không ổn. Triệu chứng đau bụng đe doạ chuyến đi.
Ăn vào, lại thải ra hết. Sức khoẻ mọi người giảm sút. Anh Sáu Giáo hội ý
chi bộ. Tôi đề xuất nên tạt vô bờ kiếm nước ngọt và thực phẩm. Mình có
giấy làm ăn hợp pháp, không ngại. Anh Sáu và anh Năm Kiệm nhất trí. Đến
địa phận Sông Cầu (thuộc Phú Yên - ĐK), chúng tôi cho thuyền ghé sát
thuyền đánh cá của dân, lân la hỏi chuyện. Rõ thuyền đi biển bị lạc, bà con
thông cảm lắm. Có người còn sốt sắng rủ về nhà lấy nước và mua hộ thực
phẩm. Ở vùng nào, dân mình cũng thiệt tốt, sống có nghĩa, có nhân... Nghỉ
ở Phú Yên gần trọn một ngày, đêm đó chúng tôi kéo buồm, dong thẳng ra
khơi... Ngày thứ bẩy (tức mồng 8 tháng 6) thuyền qua đảo Lý Sơn. Chạy
khoảng 30 giờ nữa sẽ đến vĩ tuyến 17. Đây là chặng đường cuối, cũng là