Hồi ấy anh Xương sống ở khu quân đội Nam Đồng (Hà Nội). Người chỉ
huy lực lượng công binh chiến lược một thuở, gầy, mảnh, dáng vẻ giống
ông đồ nho hơn là người từng lăn lộn trên các công trình xây dựng.
Đã mấy chục năm làm lính, tham gia chiến đấu từ Bắc đến Nam và cả ở
nước bạn, anh vẫn toát ra cái gì đó khoan thai, tự tại. Khi kể chuyện, anh
nói từ tốn, khúc triết.
- Một thời rất dài, không ai rõ tại Đồ Sơn có một cầu cảng, nơi nhiều con
tầu ra đi chở vũ khí vào chiến trường. Khu 3 Đồ Sơn là khu vực cấm, khu
vực tuyệt mật, vì thế.
Sau bốn chiếc tầu gỗ, mang tên Phương Đông chở vũ khí vào chiến trường
trót lọt, tuyến đường biển Đồ Sơn - Cà Mau hình thành, nối hậu phương lớn
với tiền tuyến lớn. Quân uỷ Trung ương nhận định, ta có thể mở con đường
vận chuyển lâu dài trên biển, vì vậy phải có phương tiện lớn. Muốn tầu to
hoạt động, cần có cầu cảng để vào lấy hàng. Bởi vậy, Quân uỷ quyết định,
bên cạnh việc tiến hành đóng tầu, cần gấp rút xây dựng cầu cảng ở Đồ Sơn.
Lúc bấy giờ là đầu năm 1963, chúng tôi vừa nhận nhiệm vụ làm tuyến
đường Vũ Bản - Cẩm Thủy, dài 27 cây số, nối tắt hai tỉnh Hòa Bình -Thanh
Hoá, rút ngắn được một trăm ki lô mét đường vòng, tạo thuận lợi tiếp tế cho
phía Nam, thì đồng thời nhận được lệnh xuống Hải Phòng làm cầu cảng.
Đây là lần đầu tiên đơn vị xuống biển làm cầu tầu. Có băn khoăn, nhưng
vẫn lên đường. Tháng hai, gió mùa tràn về, thổi hun hút. Biển cộm lên. Mấy
anh em chúng tôi, ban ngày lội bộ, vòng khắp khu vực Đồ Sơn, đêm đến,
chụm đầu bên ngọn đèn bàn bạc, tính toán. Cuối cùng, cũng tìm được vị trí
ưng ý. Đó là một vịnh nhỏ, nơi thung lũng Xanh dưới chân khách sạn Vạn
Hoa, đối diện với bãi tắm khu 3. Nơi đây hai bên là núi, vừa khuất gió, vừa
kín đáo. Những ngày kế đó, với chiếc xuồng cao su nhỏ, chúng tôi lần mò
thăm dò quanh vịnh. Chỗ sâu nhất, bốn mét. Chỗ gần bờ, ba mét. Nếu đặt
một cầu tầu vươn ra 50 thước, tầu sẽ vào được. Sau khi cân nhắc, chúng tôi
quyết định làm cảng tại đây. Ngày mồng 2 tháng 3 năm 1963, đồng chí Lê
Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng, đồng chí Phạm Hoàng, cục trưởng
cục công binh, xuống Đồ Sơn kiểm tra công việc, sau đó triệu tập chúng tôi
tới khu an dưỡng để họp. Cán bộ trung đoàn 83, ngoài tôi còn có các anh
Thành Đặng Cơ, chủ nhiệm chính trị; Phạm Văn Tạo, tham mưu trưởng;
Đặng Như Đước, chủ nhiệm hậu cần; Hoàng Duy, tiểu đoàn trưởng và một