thành một cán bộ của con đường vận tải vũ khí có một không hai trong lịch
sử chiến tranh của dân tộc. Thật kỳ thú và có cái gì đấy rất… Huế!
*
Một người nữa ở đoàn “tàu không số” mà người viết cuốn sách này hết sức
kính trọng, đó là anh Bùi Xuân Thu. Kính trọng không phải chỉ ở phong
thái điềm đạm, lịch lãm và có cái gì đấy nho nhã nơi anh. Mà kính trọng
còn bởi đức tính nhún nhường, không mảy may biểu hiện công thần, mặc
dù anh về đoàn “tàu không số” từ rất sớm (tháng 7 năm 1964), công tác tại
đoàn rất lâu và không ít công lao đối với con đường vận chuyển vũ khí trên
biển.
Công việc của anh và những người như anh âm thầm lặng lẽ. Tàu chuẩn bị
đi, cho hàng lên. Tàu trở về, kiểm tra, sửa chữa. Một công việc hết sức đơn
điệu nhưng anh và đồng đội của mình không nhàm chán. Bởi biết rằng
những khẩu súng, nhưng thùng đạn mình đưa lên tàu hôm nay sẽ vào mặt
trận, sẽ góp phần diệt thù và sẽ góp phần vào chiến thắng.
Là người lâu năm công tác tại đoàn, sống ân nghĩa, anh Bùi Xuân Thu, dù
tuổi đã cao, nhưng vẫn đau đáu về những kỷ niệm xưa, vẫn đau đáu về đồng
đội của mình trên những con tàu thời đó, người may mắn trở về và người
không bao giờ trở về nữa. Bởi vậy khi đã nghỉ hưu, anh dành thời gian
nhằm lục lại trí nhớ, cóp nhặt tài liệu, và thăm nom, hỏi chuyện đồng đội để
viết về họ và những câu chuyện về họ. Anh viết say sưa, viết với tất cả tình
cảm mình. Những trang viết ấy chân thật, cảm động là vì thế. Một số câu
chuyện và một số tư liệu trong cuốn sách này là dó anh cung cấp. Anh
không chỉ là người góp phần nhỏ bé của mình làm nên con đường, anh còn
muốn góp phần làm “sống lại” con đường ấy để các thế hệ sau không bao
giờ quên. Một tấm lòng như vậy, cũng là đáng trân trọng và đáng quý.