bên Đập Đá của anh là “một chốn đi về” của những người bạn xưa ấy. Họ
đến đây để sống lại với những kỷ niệm cũ, nhưng thiệt vui…
Anh em ở đoàn “tàu không số” mới biết một Phan Thắng, trưởng ban tuyên
huấn cựu trào, một Phan Thắng là một trong hai người đầu tiên (cùng anh
Hai Phát) đề xuất lập Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, ít ai
hay, cuộc đời anh rất thú vị.
Tên thật của anh Phan Thắng là Vĩnh Mẫn, dòng dõi hoàng tộc nhà
Nguyễn.
Bố anh là ông Bửu Trác, người đáng ra nối ngôi dòng tộc họ Nguyễn lên
làm vua, bởi rằng ông Bửu Trác là con Hoàng tử trưởng Ưng Bác, tức ông
Bửu Trác là cháu đích tôn của vua Hiệp Hòa, đáng ra kế nghiệp “ngai
vàng”. Nhưng cuộc đời sau này của ông Bửu Trác cũng như con ông, Vĩnh
Mẫn, lại đi theo hướng khác. Ông Bửu Trác là người đứng lên vận động đòi
phế truất Bảo Đại không hẳn vì động cơ cá nhân, đòi quyền giành lại ngôi
báu cho mình, mà sự phản kháng ấy nhằm vào thực dân Pháp, với chính
sách cai trị bất nhân.
Kế nghiệp bố, Vĩnh Tập, con trai ông Bửu Trác, anh ruột Vĩnh Mẫn đã
tham gia Việt Minh từ rất sớm và trong trận chiến đấu năm 1946 ở Huế, đã
anh dũng hy sinh. Sau đó, chị gái anh Vĩnh Mẫn, chi Băng Tâm cũng ngã
xuống trong chiến đấu.
Anh Vĩnh Mẫn sinh năm 1931, tuổi Tân Mùi. Năm 14 tuổi, Vĩnh Mẫn theo
anh trai chuẩn bị khởi nghĩa, theo chị gái đi cướp chính quyền. Rồi làm liên
lạc, làm trinh sát. Mặt trận Huế hồi đó phần lớn là học sinh, hoặc hướng đạo
sinh, và không ít người thuộc các gia đình Hoàng tộc. Vĩnh Mẫn là một
người như vậy.
Sau ngày mặt trận Huế vỡ, anh Vĩnh Mẫn về chiến khu Hòa Mỹ, rồi về
chiến khu Dương Hòa. Những ngày hoạt động sôi nổi nhất của Vĩnh Mẫn là
những ngày anh quay lại hoạt động trong nội thanh Huế. Đó là những ngày
gian nan, nhưng thật đáng ghi nhớ. Mỗi lần ôn lại ngày đó, anh không khỏi
bùi ngùi nhớ tới những người bạn của mình đã ra đi khi chưa bước vào tuổi
trưởng thành…